Hạt chia có an toàn với trẻ nhỏ?
Hạt chia giúp trẻ phát triển não bộ, giảm táo bón, xây dựng xương chắc khỏe, cải thiện miễn dịch và duy trì năng lượng cao, nhưng chỉ nên cho trẻ ăn 1 đến 2 thìa cà phê mỗi ngày.
Trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng cao nhất trong những năm đầu đời vì quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ Veena V. giải thích rằng hạt chia rất giàu dinh dưỡng và dễ thêm vào bất kỳ loại thực phẩm nào, nên hạt chia giúp lấp đầy khoảng trống dinh dưỡng có thể xảy ra do kén ăn ở trẻ.
Theo chuyên gia, trẻ em có thể ăn hạt chia mà không gặp bất kỳ rủi ro hay biến chứng nào. Tuy rất nhỏ nhưng hạt chia là nguồn dinh dưỡng dồi dào, giúp trẻ phát triển và khỏe mạnh, do đó rất phù hợp với chế độ ăn cân bằng tổng thể.
"Nếu bạn đưa hạt chia vào chế độ ăn, hãy thử thêm nó nhưng chỉ bắt đầu với một lượng nhỏ và bổ sung thêm chất lỏng để trẻ có thể nuốt được, nếu không nguy cơ táo bón sẽ rất cao", Veena V. nói.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi đưa hạt chia vào chế độ ăn của trẻ.
Lợi ích của hạt chia với sức khỏe của trẻ
Giúp phát triển não bộ
Não của trẻ phát triển 90% ở tuổi lên năm. Trong khi đó, hạt chia chứa axit béo omega-3 và rất giàu axit alpha-linolenic (ALA), giúp thúc đẩy sự phát triển não bộ, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Do vậy, hạt chia rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ những năm đầu đời.
Hạt chia giúp giảm táo bón
Trẻ em thường dễ bị táo bón và hạt chia có thể giúp cải thiện tình trạng này. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), 28g hạt chia chứa 9,75g chất xơ. Chất xơ rất tốt cho sức khỏe tiêu hóa.
Giúp trẻ em xây dựng xương chắc khỏe hơn
Hạt chia là nguồn canxi tự nhiên cần thiết để xây dựng xương chắc khỏe. Chúng ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sữa đối với trẻ em, nhưng bạn có biết rằng hạt chia chứa nhiều canxi hơn năm lần so với sữa nguyên chất? 100 g sữa nguyên chất có 113mg canxi, trong khi 100g hạt chia có 631 mg canxi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ chỉ ra rằng tiêu thụ hạt chia trong thời gian dài có thể làm tăng hàm lượng khoáng chất trong xương.
Cải thiện hệ thống miễn dịch
Khi trẻ em đến trường và gặp gỡ bạn bè, chúng thường tiếp xúc với nhiều loại bệnh nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng nêu rõ rằng hạt chia có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể vì chúng chứa các vi chất dinh dưỡng và axit béo omega-3. Chúng cũng chứa vitamin C và E, giúp tăng đề kháng.
Duy trì mức năng lượng cao
Hạt chia có sự kết hợp lành mạnh giữa chất xơ và protein. Điều này giúp duy trì năng lượng khi nói đến trẻ em. Do đó, một bữa sáng với hạt chia có thể giúp trẻ năng động trong ngày.
Trẻ em có thể ăn bao nhiêu hạt chia một ngày?
Chuyên gia dinh dưỡng Veena cho biết, nhìn chung, trẻ em khoảng 2 tuổi có thể ăn hạt chia một cách an toàn. Trẻ em có thể ăn khoảng 1 đến 2 thìa cà phê hạt chia một ngày. Bà cho biết, trẻ mới bắt đầu nên ăn ít hơn cho đến khi chắc chắn về mức độ dung nạp và đảm bảo trẻ uống đủ nước sau khi ăn hạt chia để giảm bớt cảm giác khó chịu.
Tác dụng phụ của hạt chia đối với trẻ em
Hạt chia thường không gây hại. Tuy nhiên, do hàm lượng chất xơ cao nên nó có thể gây ra một số tác dụng phụ khi ăn quá nhiều hoặc ăn không đúng cách như chướng bụng, đầy hơi. Nếu con bạn đã bị các vấn đề về dạ dày, hạt chia có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Trẻ em bị hội chứng ruột kích thích hoặc viêm túi thừa nên tránh dùng hạt chia. Ngoài ra, cần ngâm hạt chia trong nước hoặc sữa mới tiêu thụ, tránh tiêu thụ lúc khô vì thực phẩm này thường nở to, gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Hướng Dương (Theo Healthshots)