Giảm 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi rửa tay thường xuyên
Rửa tay với xà phòng có thể giảm tới 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ em.
Thông tin được bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại mít tinh hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 với chủ đề “Rửa tay với xà phòng – Tại sao lại quan trọng”. Sự kiện do Bộ Y tế và Unilever tại Việt Nam tổ chức, ngày 15/10.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vệ sinh tay giúp bảo vệ hàng triệu sinh mạng mỗi năm khi được thực hiện đúng cách vào những thời điểm quan trọng. “Rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu tới 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ em”, bà Hương nói.
Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, vệ sinh tay và rửa tay bằng xà phòng có vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch tại cộng đồng cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.
Thời gian qua tình hình dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gia tăng nếu người dân không chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Tình hình bão, mưa lũ dự báo sẽ tiếp tục, nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân chưa bảo đảm trong và sau mưa lũ.
Việc thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là biện pháp phòng, chống dịch quan trọng, đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.
Theo các chuyên gia y tế, những loại vi khuẩn, virus có thể bám lên tay sau khi mọi người sử dụng nhà vệ sinh hoặc thay tã, xử lý thịt sống. Mầm bệnh cũng có thể bám vào tay khi chạm vào các bề mặt, hoặc đồ vật chứa dịch tiết của bệnh nhân.
Khi vi khuẩn bám trên tay và không được rửa trôi, có thể lây trực tiếp cho người khác thông qua các hành động bắt tay, chế biến món ăn hoặc lây gián tiếp khi chạm vào tay nắm cửa, tay vịn cầu thang. Mặt khác, mọi người cũng mắc bệnh nếu đưa bàn tay bẩn chạm lên mắt, mũi, miệng của chính mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc tay mắt là một trong những đường lây truyền bệnh đau mắt đỏ và đau mắt hột phổ biến. Tại Việt Nam, bệnh đau mắt đỏ rải rác quanh năm và thỉnh thoảng xuất hiện dịch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, không dụi tay chưa rửa lên mắt giúp giảm nguy cơ đưa vi khuẩn và virus gây bệnh cho mắt.
Rửa tay đúng cách và đúng thời điểm, giúp loại bỏ bụi bẩn, virus và vi khuẩn ngăn lây lan sang người khác hoặc đồ vật. Rửa tay với xà phòng sẽ hiệu quả hơn so với chỉ rửa nước sạch, có thể dùng cồn nếu không có xà phòng.