Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội

15/10/2024 15:59

Chợ cóc, chợ tạm, hay còn gọi là chợ tự phát đã xuất hiện từ lâu tại nhiều ngã ba, ngã tư và khu dân cư ở Hà Nội. Những khu chợ này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào mỗi buổi sáng, khu vực ngã tư Sở giao với phố Cầu Mới (quận Đống Đa, Hà Nội) luôn tấp nập cảnh mua bán. Các sạp thịt, quầy hoa quả, hàng rau được bày bán tràn lan trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường qua lại.

Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 2.
Tại phố Cầu Mới, nhiều tiểu thương vô tư lấn chiếm lòng đường và vỉa hè để bán hàng.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 3.
Các hàng quán không chỉ chiếm dụng vỉa hè dành cho người đi bộ mà còn tràn xuống lòng đường, cản trở lối di chuyển của xe máy.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 4.
Khi phát hiện sự xuất hiện của lực lượng chức năng, các tiểu thương lập tức chất hàng lên xe và di chuyển đến nơi khác để tránh bị xử lý.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 5.
Các tiểu thương thường dùng xe kéo để dễ dàng “di chuyển” khi bị cơ quan chức năng yêu cầu di tản.

Chia sẻ với phóng viên, bà Đào Thị Hảo (40 tuổi) là người dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết: “Chợ này thường hoạt động từ lúc 3-4h sáng cho dân buôn đến lấy hàng, đến 6h sáng thì người ta mới đuổi. Nhưng họ cứ đuổi vậy thôi, đuổi chỗ này tiểu thương lại chạy ra chỗ khác, đâu lại vào đấy”.

Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 6.
Tuy nhiên, mặc dù đã được lực lượng chức năng nhắc nhở, nhiều tiểu thương vẫn tiếp tục cố bán nốt hàng hoặc cố tình lờ đi.

Điều đáng lo ngại, đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm thành phố, nơi lượng phương tiện qua lại rất đông. Việc chợ tự phát họp ngay giữa lòng đường không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tạo ra nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân.

Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 7.
Cảnh tượng tắc nghẽn giao thông, ô tô và xe máy di chuyển từng chút một, thường diễn ra vào mỗi buổi sáng tại khu phố này.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 8.
Không chỉ các phương tiện cỡ nhỏ, ngay cả những xe khách lưu thông qua tuyến đường này cũng gặp khó khăn khi phải tránh các gian hàng và dòng người tấp nập mua sắm.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 9.
Nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc không chỉ đến từ việc bày bán hàng hóa mà còn do xe máy của những người đến mua sắm lấn chiếm lòng đường.

Đáng nói, những người bán hàng tại đây còn xả rác trực tiếp ra vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường. Sau khi tan chợ, rác rau củ, cành hoa, vỏ quả, túi nilon ngổn ngang, thậm chí chất thành đống; nước thải hôi tanh từ hàng cá, tôm, gia cầm đổ ra hè phố.

Bã rau củ, túi nilon bị các tiểu thương bỏ lại sau khi bán hàng xong.

Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 11.
Không chỉ có rác thải, nước từ các bọc rác cũng chảy ra ngoài cũng gây ô nhiễm và làm xấu đi mỹ quan môi trường.
Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 12.
Tan chợ, công nhân môi trường nhanh chóng dọn vệ sinh, nhưng cũng không thể dọn dẹp hết vì quá nhiều rác.

Tương tự, tại Hà Đông, chợ tạm tại đường Lê Hồng Phong cũng là địa điểm họp chợ mà những người tham thường có hành vi xả thải ra môi trường không đúng quy định.

Lòng đường thành chợ, rác thải ngập tràn giữa trung tâm Hà Nội - Ảnh 13.
Rác thải chất đống ngay cạnh sạp đồ ăn tươi sống tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Được biết, các chế tài xử phạt đối với hành vi xả thải và vứt rác bừa bãi cũng như họp chợ trái phép đã được ban hành. Cụ thể, theo Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị và khu dân cư, mức phạt đối với hành vi vứt rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước đô thị là từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất ít trường hợp vi phạm bị xử lý, do các khu vực vi phạm thường nhỏ lẻ và trải rộng khắp Hà Nội, khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm soát và quản lý.