Người phụ nữ 34 tuổi ở Hòa Bình suy gan cấp, men gan tăng cao gấp 25 lần thừa nhận một sai lầm nhiều người Việt mắc phải
Người phụ nữ bị suy gan cấp, phải nhập viện vì đã tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B được bác sĩ kê đơn để chuyển sang dùng cây cà gai leo, giảo cổ lam,...
Vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân bị suy gan cấp trên nền viêm gan B vì tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B.
Bệnh nhân B.T.Q, 34 tuổi ở Hòa Bình. Do không đi khám nên không biết mình bị mắc viêm gan B từ bao giờ. Đến tháng 8/2023, chị thấy mệt mỏi, kém ăn nên mới đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện mắc viêm gan B.
Chị Q được bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng vi rút định kỳ. Sau bốn tháng dùng thuốc, chị tự ý bỏ thuốc để chuyển sang dùng cây cà gai leo, giảo cổ lam, cây an xoa để thải độc gan. Chị cho biết đã "cẩn thận" tìm hiểu thông tin trên mạng về tác dụng của các loại cây nên yên tâm sử dụng.
Cho đến cuối tháng 9/2024, chị Q xuất hiện tình trạng mệt mỏi, ăn kém, vàng da khác thường. Chị nhập viện gần nhà và được chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh không thuyên giảm nên được chuyển tuyến đến Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Thời điểm nhập viện người bệnh trong tình trạng vàng da, vàng mắt tăng gấp hơn 20 lần, suy gan cấp, chức năng gan đạt 49%, chỉ số men gan tăng cao gấp 25 lần chỉ số bình thường.
Sau 3 tuần điều trị, tình trạng suy gan của bệnh nhân Q đã được cải thiện hơn. Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, chị Q là trường hợp may mắn.
Bệnh viêm gan B nguy hiểm thế nào?
Viêm gan B hay còn gọi là viêm gan siêu vi B là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút viêm gan B (HBV). Vi rút viêm gan B thường lây qua đường máu, đường quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Sau khi vào máu vi rút sẽ tấn công và gây phá huỷ tế bào gan.
Một số người bị bệnh viêm gan B chỉ phát bệnh trong vài tuần (giai đoạn này được gọi là nhiễm trùng "cấp tính") và sau đó sẽ có miễn dịch với vi rút viêm B. Tuy nhiên ở một số người khác, vi rút viêm gan B có thể gây tình trạng nhiễm "mãn tính" và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
Các dấu hiệu của người mắc viêm gan B
Phần lớn, người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo.
Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với vi rút viêm gan B thì bạn có thể cảm thấy không khỏe, cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh
- Những người tiêm chích ma tuý hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ/thiết bị dùng cho ma tuý khác
- Người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B, người có quan hệ đồng giới nam
- Những người sống chung với người bị viêm gan B, người làm trong lĩnh vực y tế, nhân viên phòng thí nghiệm
- Người mắc bệnh tiểu đường, người nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV
- Những người đã sinh sống hoặc đi du lịch thường xuyên đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao trên thế giới.
Bệnh viêm gan B có chữa khỏi được không?
- Nếu bạn là người lớn mắc viêm gan B cấp, khả năng tự hồi phục và thải sạch vi rút là 95% (coi như khỏi bệnh). Vì vậy bạn cần nghỉ ngơi và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc ( đặc biệt là các loại lá, thuốc bắc, thuốc nam..) vì có thể suy gan suy thận do các thuốc không rõ nguồn gốc này
- Nếu bạn mắc viêm gan B mạn, khả năng hồi phục và thải sạch vi rút có thể xảy ra nếu như bạn tuân thủ uống thuốc kháng vi rút hàng ngày và kéo dài nhiều năm. Quan trọng hơn là việc uống thuốc kháng vi rút kéo dài giúp cho bạn giảm thiểu nguy cơ xơ gan và ung thư gan trong tương lai.