Hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023

16/10/2024 14:15

Bài viết sau có nội dung về xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023 được quy trong Công văn 8112/BCT-TTTN năm 2024.

Hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023

Hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023 (Hình từ Internet)

Ngày 11/10/2024, Bộ Công Thương ban hành Công văn 8112/BCT-TTTN hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023Nghị định 85/2024/NĐ-CP.

Hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023

Theo đó, đối với công tác hướng dẫn xây dựng đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá 2023Nghị định 85/2024/NĐ-CP thì Bộ Công Thương hướng dẫn tại Công văn 8112/BCT-TTTN năm 2024 như sau:

- Ngày 05/6/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP).

Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 60/2024/NĐ-CP quy định:

“2. Phạm vi chợ là khu vực được xác định dành cho hoạt động chợ, bao gồm: diện tích để bố trí các điểm kinh doanh; nhà điều hành; giao thông nội bộ; khu vực dịch vụ (như: bãi để xe, khu vệ sinh, kho hàng, khu thu gom xử lý rác thải, khu ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác).”

Căn cứ tại  Điều 4 Nghị định 60/2024/NĐ-CP quy định rõ về phân loại, phân hạng chợ.

"Điều 4. Phân loại chợ

1. Phân loại chợ theo phương thức kinh doanh:

a) Chợ đầu mối là chợ có công năng sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này và đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Quy mô (diện tích): diện tích mặt bằng đất nền chợ tối thiểu là 10.000 m2 không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.

Vị trí: kết nối với các loại hình giao thông, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Hạng mục công trình bao gồm:

Các công trình thiết yếu: bãi giữ xe, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải, địa điểm tập kết phế thải, phế liệu, khu vệ sinh và kho, bãi xe tập kết hàng hóa;

Các hạng mục yêu cầu kỹ thuật: phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật;

Các hạng mục khu vực chính: khu kinh doanh hàng hóa theo từng phân khu ngành hàng (gồm khu vực bán buôn và khu vực bán lẻ); khu trụ sở văn phòng; khu kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch (hàng hóa có nguồn gốc động vật, thực vật được xuất khẩu, nhập khẩu), truy xuất và quản lý chất lượng; khu vực phân loại và sơ chế, gia công, bao bì, đóng gói hàng hóa; kho bãi tập kết giao, nhận hàng hóa; khu dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu và khu vực bốc, xếp hàng hóa dành cho xe tải và Container.

Đối với những chợ đầu mối đã được đầu tư, xây dựng và đang hoạt động trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động theo dự án đầu tư.

b) Chợ dân sinh là chợ có mục đích, công năng phục vụ quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

2. Phân loại chợ theo quy mô:

a) Chợ hạng 1:

Là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

b) Chợ hạng 2:

Là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng và các hoạt động khác.

c) Chợ hạng 3:

Là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố;

Có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như vệ sinh công cộng.

3. Phân loại chợ theo nguồn vốn:

a) Chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước:

Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan;

Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định này.

b) Chợ được đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước (gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật):

Việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan."

Tại Nghị định 60/2024/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và UBND cấp tỉnh.

Theo đó, trách nhiệm của Bộ Công Thương tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 60/2024/NĐ-CP bao gồm:

“1. Bộ Công Thương:

a) Chủ trì,phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, chương trình, nhiệm vụ về phát triển và quản lý chợ;

b) Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển và quản lý chợ;

c) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành quan kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách phát triển và quản lý chợ theo thẩm quyền.”

- Theo khoản 4 Điều 21 Luật Giá 2023 (Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) quy định:

“4. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật này. Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp chưa có quy định thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền.”

Tại Phụ lục số 02 - Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá (Ban hành kèm theo Luật Giá 2023), số thứ tự 42 quy định: Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá cụ thể.

Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền đặc điểm kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá cụ thể đối với Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài ra, để triển khai Luật Giá 2023, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá 2023; Thông tư 45/2024/TT-BTC ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo phân công của Chính phủ tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 60/2024/NĐ-CP  về phát triển và quản lý chợ, Bộ Tài chính có trách nhiệm:

“3. Bộ Tài chính:

a) Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ;

b) Hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ;

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư; quản lý trên phạm vi cả nước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;

d) Hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý tại Chương IV Nghị định này.”

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ.

Vì vậy, trường hợp có vấn đề chưa rõ, đề nghị Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến đối với Bộ Tài chính về nội dung liên quan tới triển khai Luật Giá 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành để được hướng dẫn triển khai theo quy định.

Xem thêm Công văn 8112/BCT-TTTN ban hành ngày 11/10/2024.