Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước chỉ dài hơn 5km nhưng người dân lưu thông qua đây có khi mất cả 1 buổi mới “thoát” ra được đoạn đường này. Đoạn đường này được ví như có “cục máu đông” chẹn mạch lưu thông liên vùng cả chục năm qua và đang chờ được khơi thông. Quốc lộ 13 đoạn giáp với TP Thủ Đức khá chật chội. Đoạn qua địa phận TPHCM hiện chỉ rộng từ 4-6 làn xe, tạo “nút thắt cổ chai” nên thường gây ùn tắc trong nhiều năm qua. Hơn 20 năm trước, TPHCM đã có kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn và vướng cơ chế. Sau khi Nghị quyết 98 ban hành, đã tạo cơ chế đặc biệt cho phép TPHCM áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng quốc lộ 13 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện. Dự án bao gồm các hạng mục như mở rộng mặt đường, xây dựng cầu, lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông. Việc triển khai dự án mở rộng quốc lộ 13 sẽ có tác động tích cực đến việc di chuyển của người dân cũng như hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, việc mở rộng quốc lộ 13 hiện rất cấp thiết bởi áp lực giao thông trên tuyến ngày càng tăng. Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách thành phố được duyệt khoảng 142.000 tỷ đồng, trong đó sẽ ưu tiên vốn để thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 13 nhằm giảm kẹt xe, tai nạn và tăng kết nối vùng. Trước đó vào tháng 10/2023, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã hoàn tất mở rộng "nút cổ chai" cầu Ông Dầu trên quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức bằng việc xây thêm nhánh cầu tạm rộng 2m cho xe máy đi từ hướng ngã tư Bình Phước về quận Bình Thạnh. Hiện nay, với dự án nâng cấp quốc lộ 13, Sở GTVT TPHCM đã chi hơn 3,7 tỷ đồng cho 4 gói thầu: Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất nâng cấp, mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng để đồng bộ với dự án mở rộng quốc lộ 13. Lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng, mục tiêu của dự án nâng cấp quốc lộ 13 và 4 dự án BOT khác (gồm quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên) là cải thiện khả năng thông hành và giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe.
Theo Duy Anh