Những sai lầm phổ biến khi uống nước
Dùng bình đựng chứa BPA, quên uống nước khi tiêu thụ rượu bia, uống không đủ lượng... là những sai lầm dễ gặp trong thói quen uống nước.
Sử dụng bình đựng nước chứa BPA
BPA là viết tắt của hóa chất bisphenol A. Chất này được dùng để sản xuất nhiều sản phẩm, bao gồm cả bình đựng nước. Nhưng nghiên cứu cho thấy BPA có thể xâm nhập vào thức ăn và đồ uống. Cũng có ý kiến cho rằng tiếp xúc quá nhiều với BPA có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Mặc dù điều này cần được nghiên cứu thêm, các chuyên gia nói hóa chất này cũng có thể gây ra một số tình trạng sức khỏe, gồm huyết áp cao, mất cân bằng nội tiết tố, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch. Vì thế, hãy chọn bình đựng nước ghi "không chứa BPA" hoặc làm bằng thủy tinh, thép không gỉ.
Tin rằng nước lạnh là không tốt
Nước lạnh không làm hẹp mạch máu hoặc khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn. Uống nước nóng là cách dễ dàng để hạ nhiệt và bù nước khi bạn nóng. Trong khi đó, nước ấm cũng không thần kỳ như bạn nghĩ, chỉ giúp làm loãng chất nhầy nếu bạn cảm lạnh.
Thêm trái cây hoặc rau thái nhỏ vào nước
Trái cây hoặc rau thái nhỏ có thể làm cho nước ngon và tươi mát hơn. Nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng có thể khiến nước bị nhiễm các bệnh do thực phẩm nhiễm vi khuẩn salmonella và E. coli. Vì thế, cần đảm bảo vệ sinh trước khi quyết định thêm trái cây, rau củ vào nước uống.
Không uống nước cùng rượu
Đồ uống có cồn giống như thuốc lợi tiểu, kích thích bạn đi tiểu nhiều hơn, từ đó có thể dẫn đến mất nước. Để tránh tình trạng này, hãy uống đồ uống theo tỷ lệ 1:1, tức một cốc nước cho mỗi tách cà phê hoặc đồ uống có cồn.
Không uống hết một cốc đầy nước khi uống thuốc
Đừng chỉ uống đủ để thuốc trôi xuống cổ họng. Uống một cốc nước đầy cũng giúp thuốc không bị mắc kẹt trong thực quản và gây kích ứng. Nó hỗ trợ cơ thể bạn hấp thụ tốt hơn các vitamin tan trong nước.
Thêm các chất nhân tạo vào nước
Nghiên cứu cho thấy hương liệu và chất tạo ngọt nhân tạo có thể khiến bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2 và ung thư cao hơn. Chúng cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đói thường xuyên hơn. Vì thế hãy cố gắng tránh bất kỳ thứ gì có đường, sirô ngô với hàm lượng fructose cao, aspartame hoặc sucralose. Thay vào đó, hãy thêm chanh vàng, chanh xanh, bạc hà, thảo mộc hoặc dưa chuột vào nước. Nhưng đừng quên rửa sạch chúng trước.
Quên uống nước khi thấy mệt mỏi
Nếu thấy mệt mỏi nhưng không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu cơ thể mất nước. Không phải chỉ khi bị ốm hoặc tập thể dục quá sức mới bị mất nước. Bạn mất nước mỗi ngày thông qua các chức năng cơ thể cơ bản như thở và đi tiêu.
Không phân bổ thời gian cho việc uống nước
Sau khi thức dậy, bạn có thể uống một hoặc hai cốc nước, nhưng đừng cố uống đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày. Không có bằng chứng nào cho thấy việc này thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Và bạn cũng không nên uống nhiều trước khi đi ngủ vì nó sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Thay vào đó, hãy nhấp từng ngụm trong suốt cả ngày. Các chuyên gia khuyến cáo không nên uống quá một lít nước trong một giờ.
Uống nước từ sông hoặc suối
Nguồn nước tự nhiên trông trong và sạch, nhưng có thể bị ô nhiễm chúng. Bất cứ nguồn nước tự nhiên nào cũng nên được lọc trước khi uống.
Không uống đủ nước
Cơ thể chủ yếu là nước và sử dụng nước theo nhiều cách. Nước giúp tiêu hóa, làm dịu và ngăn ngừa táo bón. Nước cũng giúp đào thải độc tố, ngăn ngừa sỏi thận hình thành và dưỡng ẩm cho làn da. Lượng nước tối thiểu được khuyến nghị hàng ngày khoảng 2,5 lít đối với phụ nữ và 3,3 lít đối với nam giới.
Hướng Dương (Theo WebMD)