Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước lá tía tô?
Nước lá tía tô là thức uống được nhiều người yêu thích nhất là các chị em, vậy nhưng mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước lá tía tô?
Mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước lá tía tô?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài - Phó Chủ tịch Hội Đông y Thị xã Thái Hoà - Nghệ An cho biết, tía tô còn gọi là tử tô, tô diệp, tử tô tử, tô ngạnh. Tên khoa học của loài là Perilla ocymoi, thuộc họ hoa môi (Labiatae). Tía tô được trồng ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam người dân dùng tía tô như một loại gia vị và làm thuốc.
Theo tài liệu cổ tía tô vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Tía tô tác dụng phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, giải uất, hóa đờm, an thai giải độc của cua cá. Thông thường dùng lá tía tô (tô diệp) giúp làm cho ra mồ hôi, chữa ho, giúp sự tiêu hoá, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo. Ngoài ra tía tô còn có thể chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cá cua.
Nhiều người quan điểm chỉ uống là tía tô thay nước để nâng cao sức khoẻ, uống thay nước trắng, điều này có tốt không? Giống như mọi loại thực phẩm khác, khi sử dụng quá nhiều trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách, bạn có thể vô tình tạo ra những tác hại khôn lường, chưa kể một số người không nên dùng lá tía tô. Do đó dưới góc nhìn của y học cổ truyền, thì không nên dùng tía tô trong thời gian kéo dài.
Trong lá tía tô có một số hoạt chất gây bệnh cao huyết áp, tổn hại đến hệ tim mạch. Ngoài ra, uống nhiều nước tía tô cũng có thể khiến cho cơ thể bị rối loạn tiêu hóa gây ra đầy hơi, chướng bụng và nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác. Do đó, mỗi người hàng ngày chỉ nên dùng khoảng 2 ly nước lá tía tô, chia nhỏ từng lần uống. Vẫn sử dụng nước lọc để cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
Mặt khác, thi thoảng nếu thấy uống nước trắng mà cảm thấy chán, nhạt miệng có thể dùng lá tía tô đun với đường phèn để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Vì trong hai loại này chứa các chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus.
Vì tía tô có thể khiến các tình trạng bệnh lý sau trở nặng hơn, ra nhiều mồ hôi trộm không kiểm soát, đại tiện lỏng kéo dài... dẫn đến rối loạn điện giải và mất cân bằng của cơ thề.
Ngoài ra trong lá tía tô còn nhiều acid oxalic. Nếu dùng nhiều cơ thể sẽ tích tụ acid oxalic ở tuyến thượng thận có thể gây suy thận, sỏi thận.
Như đã nói, tía tô là thảo dược có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp một mình nó không thể trở thành thuốc chữa bệnh mà cần phải được kết hợp gia giảm với các vị thuốc khác.
Nấu nước tía tô
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, để nấu nước lá tía tô bạn chỉ cần lấy lượng lá vừa đủ, rửa sạch, ngâm nước muối rồi đun sôi 2,5 lít nước lọc và bỏ lá tía tô vào, đậy nắp kín.
Cho hỗn hợp trên sôi lại trong 2 phút rồi tắt bếp, để cho nguội, chắt vào bình sạch và thêm vào đó 3 lát chanh tươi, đậy nắp rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Hàng ngày lấy nước này ra uống trước ba bữa chính 10 - 30 phút để giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể và ngăn ngừa hấp thu chất béo.
Nước lá tía tô không nên dùng cho người ra nhiều mồ hôi, cảm nóng, phụ nữ mang thai và trẻ em.