Sai lầm nhiều phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh hay mắc phải
GĐXH – Theo các bác sĩ, hiện nay, số lượng phụ nữ đi khám với các triệu chứng của mãn kinh không nhiều vì cho rằng đây là điều khó nói. Vì vậy, đa phần họ tự tìm cách giải quyết hoặc phải “vật lộn” với các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn này.
70-80% phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi các triệu chứng mãn kinh
Hiện nay, theo thống kê của ngành Y tế, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (45-69 tuổi), chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Sau mãn kinh, phụ nữ còn sống thêm 20-30 năm, tương đương một 1/3 cuộc đời, nhưng phải đối mặt với nhiều triệu chứng gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là do suy giảm estrogen. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên ở phụ nữ. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất nhanh và liên tục ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Khi suy giảm nội tiết tố, sức khỏe của chị em xuất hiện nhiều rắc rối từ nhẹ đến nặng. Họ phải đối mặt với các vấn đề như suy giảm chất lượng cuộc sống với nhiều triệu như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ.
Tại Hội thảo hưởng ứng Ngày Mãn kinh thế giới năm 2024 do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tổ chức mới đây, PGS.TS Lưu Thị Hồng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Tổng Thư ký Hội Phụ sản Việt Nam cho biết, nghiên cứu cho thấy, khoảng 70 - 80% phụ nữ chịu ảnh hưởng của các triệu chứng mãn kinh trong thời gian trung bình kéo dài 7,4 năm, trong đó 20 - 35% triệu chứng từ vừa đến nặng, 33% phụ nữ gặp phải các triệu chứng khác.
Các triệu chứng phổ biến của tiền mãn kinh như: tăng cân, mất ngủ, nóng bừng mặt, vã mồ hôi, bứt rứt, khó chịu, khô teo âm đạo, khó khăn khi quan hệ tình dục, viêm nhiễm âm đạo, loãng xương, xơ vữa động mạch, alzheimer...
Cụ thể, theo một khảo sát trên 1.100 phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ mãn kinh thường gặp các rối loạn như: Bốc hỏa (gần 40%); hồi hộp (gần 63%); chóng mặt (61%); rối loạn giấc ngủ (62%); vã mồ hôi ban đêm (20%).
Cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ (hơn 69%); hay buồn chán (gần 47%); hay quên (gần 85%); hay lạnh bàn chân, bàn tay (16%); khó tập trung (58%); dễ cáu gắt (52%); nhức đầu (72%); ngủ kém về đêm (61%); đau lưng (68%); đau khớp (gần 66%); đau nhức tay chân (gần 76%)…
"Mãn kinh là giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời mỗi phụ nữ nhưng trải nghiệm mãn kinh của mỗi phụ nữ sẽ khác nhau bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, sinh học…
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ mãn kinh ở Việt Nam đang chịu đựng giai đoạn này một cách âm thầm vì thiếu thông tin cơ bản về các triệu chứng rối loạn mãn kinh, gây tác động tiêu cực đế sức khỏe và chất lượng sống", TS.BS Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay.
Thận trọng với thói quen tự bổ sung nội tiết tố nữ
Theo BS Hạnh, hiện nay, tuổi thọ phụ nữ ngày càng tăng cao, nghĩa là họ sẽ trải qua thời gian dài để đối mặt với thời kỳ mãn kinh. Dù vậy, vấn đề này vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ.
Một nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, có khoảng 54% phụ nữ cho rằng, mãn kinh là điều khó nói; 46% phụ nữ chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Cùng với đó, khoảng 38% cảm thấy cô đơn trong hành trình mãn kinh của mình…
Tại Việt Nam, những năm gầy đây, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có phòng khám về mãn kinh, song theo bác sĩ Hạnh, số lượng phụ nữ đến khám không nhiều, bởi đa phần đều âm thầm chịu đựng, cho rằng đây là điều khó nói, tự tìm cách giải quyết hoặc phải "vật lộn" với các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn này.
Chính điều này dẫn đến một trong những sai lầm phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh là tự mua thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm dinh dưỡng để bổ sung mà không có chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ.
Nhấn mạnh vấn đề này, PGS.TS Lưu Thị Hồng cho biết, dù các vấn đề của phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh rất nhiều nhưng chị em thường không đi khám chuyên khoa mà tự tìm kiếm thông tin qua "bác sĩ google" hoặc qua lời khuyên của bạn bè, người bán thuốc.
Trên thực tế, chính bà đã từng điều trị cho trường hợp bị rong kinh nặng do tự ý mua thuốc bổ sung estrogen hàm lượng cao để giảm các triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh. Hoặc một số trường hợp khác khi tới khám chia sẻ rằng họ đã uống rất nhiều các loại thuốc nội tiết tố nữ, thực phẩm chức năng khác nhau chỉ vì tin lời quảng cáo tốt cho nội tiết phụ nữ chứ không thực sự hiểu rõ về loại thuốc, thực phẩm chức năng đó như thế nào. Điều này là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của chị em trong độ tuổi này.
Đồng quan điểm, BS Trần Thị Thu Hạnh cho biết, nhiều chị em trong độ tuổi mãn kinh khi bị loãng xương thường tự mua canxi về uống. Điều này cũng là một sai lầm. Bởi cần bổ sung canxi hay không và liều lượng như thế nào là do bác sĩ chỉ định. Một số trường hợp có chống chỉ định nếu tùy tiện bổ sung sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho sức khỏe.
Do đó, BS Hạnh khuyến cáo phụ nữ tuổi mãn kinh nếu gặp những triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống cần chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và được tư vấn điều trị. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn giải pháp phù hợp để khắc phục những phiền toái mà phụ nữ phải chịu đựng.
Ngoài ra, để vượt qua thời kỳ mãn kinh an toàn và khỏe mạnh, các chuyên gia khuyến cáo, chị em cần chăm sóc sức khỏe tinh thần (thư giãn, học cách chia sẻ với người thân, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng); luyện tập thể dục thường xuyên (kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp); dinh dưỡng hợp lý (không hút thuốc lá hay các chất kích thích, ăn chế độ giàu thực vật, chất xơ, vitamin D để phòng loãng xương…).