Thành phố Thuận An có diện tích tự nhiên 83,71 km2, nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhất của tỉnh và là thành phố có số dân đông nhất tỉnh Bình Dương (618.984 người, số liệu năm 2024). Đồng thời, Thuận An cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối tỉnh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh. Song, hiện nay chỉ có một cây cầu Phú Long “độc quyền” kết nối 2 thành phố này. Vì vậy, theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Thuận An , khu vực này dự kiến sẽ có thêm 3 cây cầu kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án này lần lượt là: cầu Vĩnh Phú; phục hồi cầu sắt Lái Thiêu và cầu trên đường cầu Tàu. Trên ảnh là bản đồ khu vực, dự kiến sẽ xây dựng những dự án hạ tầng trên. Với dự án cầu Vĩnh Phú, cầu sẽ bắt đầu từ đường Vĩnh Phú 9 (thành phố Thuận An) bắc qua sông Sài Gòn và nối với Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh). Hai bên bờ sông đang có rất nhiều nhà dân tạo nên khu dân cư đông đúc và sầm uất. Vì vậy, để dự án khởi công, trước hết thành phố Thuận An và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải thực hiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đường Vĩnh Phú 9 có thể sẽ được mở rộng vì đây là đường dẫn lên cầu song hiện tại chỉ rộng khoảng 2m. Ở dự án thứ hai, Bình Dương đề xuất phục hồi cầu sắt Lái Thiêu (cầu Phước Long cũ) thành cầu kiến trúc cảnh quan, bắc qua sông Sài Gòn để nối một khu vực khác của thành phố Thuận An (Bình Dương) với Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện tại, ở hai bên bờ sông cũng còn khá nhiều nhà dân, nhà hàng ven bờ sông... Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng có thể sẽ là một trong những khó khăn mà dự án gặp phải. Trên ảnh là đường đi tới cầu sắt Lái Thiêu đang bị chặn. Cuối cùng, tỉnh Bình Dương sẽ xây thêm một cây cầu bắt đầu từ đường Cầu Tàu (thành phố Thuận An) bắc qua sông Sài Gòn để nối với huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh). Khác với 2 dự án trên, khu đất xây cầu cho dự án này đang chủ yếu là đất trống và khá ít nhà dân. Ngoài ra, tại thành phố này đang thi công cầu Bình Gởi thuộc dự án vành đai 3. Cây cầu dài hơn một km với tổng vốn đầu tư trên 569 tỷ đồng, kết nối xã An Sơn (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Cây cầu này tương lai sẽ giảm tải cho cầu Phú Cường nối huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đang quá tải. Như vậy, tương lai khu vực này sẽ có tới 5 cây cầu kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thuận An. Khi những dự án hạ tầng này hoàn thành sẽ phá vỡ thế độc quyền của cây cầu Phú Long. Sự đồng bộ về hạ tầng giúp tăng cường vai trò quan trọng của thành phố Thuận An trong việc kết nối hệ thống đô thị phía Bắc của tỉnh Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai thành phố lớn.
Bài và ảnh: Ni Na