Phó Thống đốc: 'Không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng'
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, việc cho vay vượt huy động bởi phần vượt hơn chính là vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, đồng thời khẳng định “không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng”.
Tại phiên họp báo quý III chiều 17/10, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, tổng số vốn huy động của toàn ngành đến ngày 30/9 đạt 14,5 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 14,7 triệu tỷ đồng.
Ông Tú lý giải, việc cho vay vượt huy động bởi phần vượt hơn chính là vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, đồng thời khẳng định “không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng” bởi huy động được bao nhiêu các ngân hàng đã cho vay ra nền kinh tế.
Lãnh đạo NHNN thông tin, đến nay tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9%, cao hơn nhiều so với cuối tháng 8 nhờ một số dự án lớn được giải ngân trong giai đoạn cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt hơn 16%, vào khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt hơn 20%. Một số lĩnh vực như lâm nghiệp, thuỷ hải sản xuất khẩu… giải ngân trên 40.000 tỷ, vượt xa so với gói tín dụng 15.000 tỷ đặt ra ban đầu. NHNN đang chuẩn bị trình gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này.
Theo ông Tú, cho vay ưu đãi với nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng đăng ký lên tới 140.000 tỷ đồng. Thời hạn của gói vay này sẽ kéo dài đến 10 năm, thay vì 5 năm như trước kia.
“Gói 140.000 tỷ này phụ thuộc vào tính pháp lý của các dự án cũng như việc triển khai của các nhà đầu tư. Còn nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng”, ông Tú cho hay và nói thêm nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, nhất là sau bão số 3. Đây cũng là vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt và cần phải có phương án xử lý trong thời gian tới.
Sau cơn bão số 3, nhiều hộ nông dân mất trắng, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do bão, đồng thời tiếp tục cho vay mới, hỗ trợ lãi suất với đối tượng này.
Sắp tới, NHNN sẽ xây dựng phương thức trích lập dự phòng rủi ro sau bão. Theo quy định mới của Luật Các Tổ chức tín dụng thì đây là thẩm quyền của Thủ tướng, NHNN sẽ trình Thủ tướng phê duyệt phương thức trích lập.
Đáng chú ý, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ nay đến cuối năm, để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cũng như khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhà điều hành sẽ tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá ổn định để đảm bảo hài hòa các chính sách.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng để ngỏ khả năng xem xét lại mức lãi suất điều hành theo hướng “tiếp tục duy trì như hiện nay hay giảm lãi suất trong điều kiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đảm bảo như lạm phát, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng”.
Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đang duy trì ở mức 4,5%/năm. Trước đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất điều hành này cho đến hết năm.
Về tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến linh hoạt.
“Trước đây, có thời điểm Đồng Việt Nam mất giá 5-6% so với USD nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1-2%, là mức biến động rất thấp. Điều này đã tạo niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài”, Phó thống đốc đánh giá.