Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính mới nhất
Bài viết sau có nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính mới nhất được quy định trong Quyết định 2449/QĐ-BTC năm 2024.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính mới nhất (Hình từ Internet)
Ngày 15/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2449/QĐ-BTC về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính.
1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính mới nhất
Theo quy định tại Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2449/QĐ-BTC năm 2024 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tài chính bao gồm:
- Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa, trù dập cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
- Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
- Lợi dụng không gian mạng, lợi dụng việc thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khác.
2. Hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Việc xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 10 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 như sau:
- Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức vi phạm quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
- Việc xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Xem thêm Quyết định 2449/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.