Bị suy thận có nên chạy bộ?
Nhiều người bị suy thận muốn chạy bộ như cách rèn luyện thể dục, giúp tăng cường miễn dịch cơ thể song cũng lo lắng việc này ảnh hưởng sức khỏe.
Theo BSCKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thận có chức năng lọc máu để bài tiết các độc tố, chất dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, giúp ổn định các chất điện giải, huyết áp, độ pH máu. Thận còn tham gia vào quá trình tạo máu và chuyển hóa xương.
Suy thận là tình trạng thận lọc máu không còn hiệu quả, dẫn tới rối loạn những chức năng trên, khiến lượng chất lỏng, chất điện giải và chất thải tích tụ trong cơ thể ở mức nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng sống, đe dọa tính mạng người bệnh.
Suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn dựa trên mức độ lọc cầu thận (eGFR) giảm dần. Độ lọc cầu thận khoảng 60-89 ml/phút/1,73 m2 da, chức năng thận còn tương đối hiệu quả. Khi phát hiện độ lọc cầu thận giảm, người bệnh được tầm soát bệnh, tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp nhằm kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Bác sĩ khuyến nghị, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục ở giai đoạn này, giúp cải thiện lưu thông máu, trao đổi chất, có lợi cho chức năng thận.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc công bố năm 2019 cho thấy độ lọc cầu thận ở người bệnh suy thận mạn chưa lọc máu tăng 2,62 ml/phút/1,73 m2 da sau khi tập thể dục cường độ vừa phải. Thường xuyên vận động thể chất vừa phải giúp hạn chế nguy cơ tăng huyết áp - nguyên nhân làm trầm trọng hơn mức độ bệnh suy thận mạn.
Tuy nhiên, chạy bộ hay chạy marathon là môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao, phải gắng sức, có thể làm tăng nồng độ creatine kinase huyết thanh (một loại enzyme); myoglobin (một loại protein phản ánh mức độ tổn thương thận) và creatinine (đánh giá chức năng lọc của thận) trong nước tiểu.
Một nghiên cứu nhỏ của nhóm nhà khoa học Mỹ công bố năm 2022 cho thấy người tham gia chạy marathon xuất hiện tình trạng tổn thương thận cấp tính.