Chính thức: Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nội dung thi sẽ bám sát theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chính thức đã có Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Hình từ Internet)
Chính thức đã có Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cụ thể gồm: Toán, Ngữ Văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
>>Tải toàn bộ Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025TẠI ĐÂY.
Được biết, đề thi tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đồng thời bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ yếu là lớp 12.
Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Tại Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với một số nội dung đáng chú ý như sau:
(1) Đối tượng dự thi:
Người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
(2) Nội dung thi: Bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018.
(3) Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
(4) Môn thi:
Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
(5) Thời gian tổ chức thi:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi tắt là Kỳ thi) được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(6) Phương thức xét công nhận tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
(8) Phân cấp, phân quyền tổ chức thi:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: (1) Chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức Kỳ thi; (2) Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi; (4) Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; (5) Hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; (2) Chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi; (3) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(9) Lộ trình triển khai thực hiện:
- Phương án thi được thực hiện từ năm 2025.
- Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
- Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
- Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.