Tòa chuyển C03 tiếp tục làm rõ nhiều 'khoản nợ' của Trương Mỹ Lan

Minh Đức 18/10/2024 19:01

Phiên xét xử Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm giai đoạn 2 đã khép lại vào chiều 17/10. HĐXX tuyên bị cáo Lan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, đồng thời cũng phán quyết về nhiều khoản nợ mà bị cáo Lan khai tại Tòa nhằm đảm bảo việc bồi thường cho 35.824 bị hại.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 12 năm tù về tội “Rửa tiền”; 8 năm tù về tội “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 23 năm tù.

Đại diện Tân Thành Long An chưa thống nhất nghĩa vụ tồn đọng

p2399009(1).jpg
Các bị cáo tại toà.

Liên quan đến trách nhiệm dân sự, HĐXX đưa ra nhiều phương án để giải quyết. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Novaland mà bị cáo Trương Mỹ Lan đã yêu cầu Tập đoàn này trả 2.500 tỷ đồng tiền mặt để khắc phục cho các bị hại. Đó là dự án khu công nghiệp và khu dân cư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Theo HĐXX, dự án này do Công ty Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Long An cấp giấy CNQSDĐ có diện tích 1.800 ha. Ngày 1/8/2022, nhóm cổ đông sở hữu 100% vốn của Công ty Tân Thành Long An của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã cùng bà Võ Thị Kim Khoa thuộc Novaland ký kết thoả thuận chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Tân Thành Long An cho Võ Thị Kim Khoa, với giá hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, bà Võ Thị Kim Khoa đã chuyển tiền đặt cọc 1.750 tỷ đồng để nắm quyền điều hành Công ty Tân Thành Long An. Hiện bà Khoa là đại diện pháp luật của Công ty Tân Thành Long An. Giá trị chuyển nhượng cho dự án đang được thế chấp, bảo đảm khắc phục cho 15.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Thành Long An và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; nghĩa vụ phát hành trái phiếu của Công ty Bông Sen là 4.800 tỷ đồng.

Tại Tòa, bị cáo Lan nói đồng ý điều chỉnh giá 100% cổ phần Công ty Tân Thành Long An từ 30.000 tỷ đồng xuống thành 20.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị 20.000 tỷ đồng được khấu trừ việc trả nợ trái phiếu 15.000 tỷ đồng, trừ số tiền đặt cọc 1.750 tỷ đồng và các nghĩa vụ khác của Công ty Tân Thành Long An. Đồng thời, bà Võ Thị Kim Khoa phải chuyển 2.500 tỷ đồng (từ 3.500 tỷ đồng bằng hiện vật xuống 2.500 tỷ đồng tiền mặt) để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo HĐXX, đến nay bà Khoa chưa thống nhất chuyển 2.500 tỷ đồng hay hiện vật vì chưa thống nhất nghĩa vụ khác còn tồn đọng của Công ty Tân Thành Long An. Do đó, HĐXX chuyển cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Bitexco phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Trương Mỹ Lan

Để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường toàn bộ hậu quả của vụ án của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX đã nêu quan điểm xử lý về số tiền 15.712 tỷ đồng mà bị cáo Lan từng yêu cầu Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco trả.

lan_p2399015.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Số tiền này có nguồn gốc từ thương vụ Bitexco chuyển nhượng dự án The Spirit of Saigon cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 22.000 tỷ đồng. Sau đó, bà Lan chuyển cho Bitexco 15.712 tỷ đồng nhưng hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty.

Về nguồn tiền thanh toán, có 4.100 tỷ đồng bị cáo Lan rút từ các khoản vay của SCB. Còn lại, có khoản 7.000 tỷ đồng là tiền của bị cáo Lan và bạn bè; tiền đi vay của ngân hàng khác và tiền phát hành trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory.

Theo HĐXX, tại Tòa, bị cáo Lan khai nhận chỉ thoả thuận miệng với Chủ tịch Bitexco sẽ giới thiệu khách hàng nhận chuyển nhượng dự án khu Tứ giác Bến Thành với giá 22.000 tỷ đồng cho Chủ tịch Bitexco. Bị cáo Lan đề nghị cơ quan chức năng không thu hồi số tiền 15.712 tỉ đồng, mà yêu cầu nếu đối tác thứ 3 vào triển khai dự án thì phải trả 7.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.

Về phía Bitexco, đại diện đơn vị này thừa nhận đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bị cáo Lan. Mặc dù Saigon Glory thuộc Bitexco nhưng bị cáo Lan đã điều hành, phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và vay 13.000 tỷ đồng. Ngân hàng quản lý tài sản thế chấp và số tiền này bị cáo Lan sử dụng cá nhân, gây hậu quả với nghĩa vụ thanh toán 33.330 tỷ đồng.

Để đảm bảo quyền lợi của các trái chủ, quyền lợi của ngân hàng, Bitexco đề nghị chuyển giao toàn bộ Saigon Glory, dự án Khu Tứ giác Bến Thành cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội để thanh toán trái phiếu và khoản vay, đồng thời không thu hồi 15.712 tỷ đồng vì cho rằng đây là giao dịch dân sự.

Liên quan thương vụ này, C03 xác định bị cáo Trương Mỹ Lan mới thanh toán 15.712/22.000 tỷ đồng cho Bitexco, việc chuyển nhượng dự án Khu Tứ giác Bến Thành chưa hoàn thành nên Bitexco vẫn là chủ sở hữu Saigon Glory.

HĐXX cho biết kết quả điều tra của C03 cho thấy trong quá trình mua bán dự án, bị cáo Lan đã giao cho Bitexco 15.712 tỷ đồng/22.000 tỷ đồng nhưng đã nhận từ Bitexco tiền phát hành trái phiếu từ Saigon Glory và tiền từ việc Bitexco bảo lãnh cho vay; tổng cộng 23.000 tỷ đồng tiền gốc, đến nay gồm tiền lãi phát sinh hơn 30.000 tỷ đồng; Bitexco phải nhận trả thay bà Lan.

Hiện C03 đã chuyển hồ sơ cho Vụ 3 VKSND Tối cao để xem xét trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Toà nhà Capital Place, 18% vốn góp Setra giao cơ quan có thẩm quyền xử lý

Đối với 100% cổ phần tại Công ty CP Twin Peaks là công ty sở hữu tòa nhà Capital Place tại số 29 Liễu Giai, Hà Nội, theo hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại Tòa thì tòa nhà này đang thế chấp cho 3 ngân hàng nước ngoài. Tại Tòa, bị cáo Lan yêu cầu giải tỏa kê biên để bán trả tiền cho ngân hàng nước ngoài, phần còn lại dùng khắc phục hậu quả của vụ án.

anh-toa-nha-captital-place.jpg
Toà nhà Capital Place số 29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

HĐXX nhận định, quan hệ tín dụng này là hợp pháp, được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay, khoản nợ đã đến hạn thanh toán nên cần hủy bỏ lệnh kê biên, giao cho 3 ngân hàng để xử lý thu hồi nợ theo quy định.

Việc xử lý tài sản của các ngân hàng phải chịu sự giám sát của VKSND Tối cao, C03 và cơ quan Thi hành án có thẩm quyền. Phần giá trị tài sản còn lại sau khi trả nợ cho ngân hàng thì dùng khắc phục hậu quả của vụ án.

Còn đối với 18% phần vốn góp của Công ty Setra (Tòa nhà Vietcombank, TP.HCM), đại diện của Ngân hàng Vietcombank đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Công ty Setra tiếp tục chuyển nhượng với giá 920 tỷ đồng.

HĐXX xét thấy, thỏa thuận giữa các bên không trái quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa đủ căn cứ để xác định giá chuyển nhượng số cổ phần trên như chứng cứ các bên cung cấp. Do đó, để đảm bảo thu hồi tối đa tài sản, cần tiếp tục kê biên số cổ phần này để việc chuyển nhượng đúng theo giá thị trường.

Đối với số cổ phần 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần Công ty CP dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo thu hồi.

Đối với các tài sản của các bị cáo đã chết gồm: Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Ngọc Dương, HĐXX nhận định những người này đều là mắt xích quan trọng trong vụ án nên cần giao tiếp cho C03 tiếp tục xác minh làm rõ để giải quyết theo quy định.

Đối với tài sản của các bị cáo bị truy nã là Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ tiếp tục bị phong toả số tài khoản, đồng thời ngăn chặn giao dịch 31 bất động sản của những người này. HĐXX tuyên giao cho C03 tiếp tục xác minh làm rõ.

Minh Đức