Ủy ban Kinh tế: Thổi giá, tạo sóng khiến việc mua bán đất hầu như diễn ra trong giới đầu cơ
Theo Ủy ban Kinh tế QH, tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở
Các bất cập trên thị trường bất động sản tiếp tục được đề cập tại báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng nay 21-10.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Bên cạnh đó, tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
"Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng"- ông Vũ Hồng Thanh nói.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra giải ngân vốn đầu tư công tăng chậm, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.
"Có ý kiến cho rằng với cùng một hệ thống pháp luật, thực tế kết quả triển khai ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là khác nhau, vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này"- báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời; dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15%.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, tỉ giá có giai đoạn biến động bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá.
Trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định. Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỉ giá.
Thời gian qua, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức đấu giá đất, trong đó có huyện Thanh Oai. Đầu tháng 8-2024, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 68 lô đất, thu hút khoảng 1.500 người tham dự với trên 4.000 hồ sơ. Giá trúng các lô này 63-80 triệu đồng/m2, đặc biệt có lô đất giá lên tới 100 triệu đồng/m2, cao gấp 5-6 lần giá khởi điểm.
Tuy nhiên, khoảng 80% người trúng đấu giá tại đây đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 không nộp tiền. Mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng việc đấu giá đất cao rồi bỏ cọc, thổi giá tạo ra những ảnh hưởng xấu, hạn chế khả năng tiếp cận nhà ở, đất ở của những người có nhu cầu ở, tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.