Cách tính thời gian giữ chức danh nghề nghiệp
Ông Đoàn Dương Hảo (Bình Thuận) được tiếp nhận vào hợp đồng lao động với công việc phân công giảng dạy môn Mỹ thuật ở trường tiểu học và được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng III, mã số 15a204 (đóng BHXH cùng lúc) từ ngày 28/2/2013.
Ngày 22/6/2016, ông Hảo trúng tuyển viên chức, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.08. Đến ngày 28/12/2021, ông được UBND huyện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29 cho đến nay.
Ông Hảo hỏi, thời gian giữ chức danh nghề nghiệp của ông được tính từ thời điểm nào, tính từ thời điểm ông bắt đầu hợp đồng lao động và được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp Giáo viên tiểu học hạng III, mã số 15a204, hay bắt đầu từ thời điểm ông trúng tuyển viên chức và được tuyển dụng chính thức với mã ngạch V.07.03.08?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Liên quan đến thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc có các quy định đáng chú ý sau:
- Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, đã được sửa đổi tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 quy định như sau:
"Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định này mà trước đó đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) thì thời gian đó được tính làm căn cứ để xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định".
- Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định như sau:
"5. Các trường hợp được tuyển dụng vào viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm;
b) Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều này".
- Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi tại Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP quy định như sau:
"Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác (không tính thời gian tập sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này) theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ".
Như vậy, thời gian công tác có đóng BHXH đáp ứng các quy định nêu trên được xem xét để tính lương sau tuyển dụng, tiếp nhận; xác định điều kiện không phải thực hiện chế độ tập sự; xem xét thời gian giữ chức danh nghề nghiệp để đăng ký dự xét thăng hạng.