Anh nông dân nuôi con 'phàm ăn, mắn đẻ', mỗi năm đút túi 3 tỷ đồng
Hơn chục năm gắn bó với con đặc sản "phàm ăn, mắn đẻ", anh Vũ Hữu Thảo (34 tuổi, xã Bằng Doãn, Đoan Hùng, Phú Thọ) đang có mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2012, anh Thảo biết đến con cầy vòi mốc. Ban đầu anh Thảo bỏ ra 100 triệu đồng mua 10 con bố mẹ về sinh sản. Sau 12 năm khởi nghiệp, đến nay trang trại của anh Thảo có 1.500 con cầy vòi mốc.
Khu vực nuôi cầy vòi mốc, chuồng trại được làm bằng thanh thép hàn với nhau chắc chắn. Mỗi ô chuồng rộng hơn 1m2, có thể chứa 1 đến 2 con cầy vòi mốc.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Thảo cho biết, giống cầy vòi mốc đang nuôi rất phàm ăn, lớn nhanh và sinh sản tốt nhất trong tất cả các dòng cầy trên thị trường hiện nay. Mỗi năm cầy sinh sản 1 lứa chính vào đầu năm, còn lứa phụ vào cuối năm thì chỉ đạt từ 40 – 50 %. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường 600 – 700 cặp chồn giống cho bà con chăn nuôi.
Cầy vòi mốc chủ yếu ăn cám ngô, đối với đàn cầy con sẽ cho ăn 2 bữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu sinh trưởng phát triển. Còn đối với đàn cầy bố mẹ khi chuẩn bị ghép đôi chỉ cho ăn 1 bữa 1 ngày sao cho chúng không bị béo thì phối mới đạt tỉ lệ cao.
Mặc dù con vật này rất dễ nuôi, dễ ăn nhưng theo kinh nghiệm của anh Thảo, nếu cho ăn không đúng cách cầy vòi mốc rất dễ bị bệnh về đường tiêu hóa.
Cũng theo anh Thảo, mặc dù cầy vòi mốc có giá trị kinh tế cao, với gần 20 triệu đồng/ cặp giống và khoảng 2 triệu/kg thịt thương phẩm. Song phải đầu tư với số vốn lớn, để phát triển được loài động vật này cần thời gian, sự kiên trì. Bởi mỗi con từ khi sinh sản đến lúc xuất chuồng phải mất 10 – 12 tháng.
Chi phí đầu tư mua con giống cao, chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, việc quản lý, kiểm soát tình hình giống, phòng bệnh trong chăn nuôi hiện chưa có cơ sở đào tạo bài bản mà chủ yếu học tập kinh nghiệm từ người đi trước nên cần có thời gian tích luỹ.
Để đảm bảo cầy phát triển tốt, lớn nhanh, hệ thống chuồng trại nuôi cầy cần chú trọng đảm bảo luôn sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm thấp. Trong giai đoạn sinh sản, người nuôi không nên cho cầy ăn quá nhiều tinh bột; bổ sung dinh dưỡng cho con đực, thêm canxi và chất tanh cho con cái.
Hiện mô hình của anh Thảo đem lại thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/năm. Mô hình còn tạo công ăn việc làm cho gần 8 lao động thường xuyên tại địa phương với thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng.
Cũng thành công với mô hình nuôi cầy vòi mốc, ông Nguyễn Khắc Thân ở xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đang có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Thân cho biết, trước đây ông từng chăn nuôi nhiều loại như lợn, gà, rắn nhưng không hiệu quả, khó khăn, thiếu thốn vẫn đeo đuổi.
Năm 2017, thấy người dân săn bắt được những con cầy nên ông Thân đã mua về nuôi thử. Ban đầu, ông Thân cũng nhiều đêm mất ngủ, thậm chí trắng tay bởi không nắm chắc kỹ thuật, chăm sóc cầy hương; nhiều con cầy bị ốm, chết.
Tuy nhiên, nhận thấy việc nuôi con đặc sản này rất tiềm năng bởi dễ bán, lại được giá cao, ông Thân đã đi vay mượn tiền để đầu tư, học hỏi chăn nuôi chuyên nghiệp.
Với số tiền 200 triệu đồng vay mượn được, ông Thân đi vào tận Thừa Thiên-Huế để mua 11 con cầy vòi mốc và 4 con cầy hương giống về nuôi. Đồng thời, ông Thân còn đầu tư tiền của xây dựng hệ thống chuồng trại bằng khung sắt, làm vách ngăn chắc chắn để thả nuôi cầy sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát.
Hiện gia đình ông đang nuôi 130 con cầy vòi mốc, cầy hương bố mẹ và cầy con.
Theo ông Thân, một con cầy mẹ mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 4-5 con; bình quân mỗi tháng đàn cầy sinh sản ra từ 15-20 con. Cầy con nuôi khoảng 2 tháng có thể bán giống với giá 10 triệu đồng/cặp; cầy thịt nặng 6-8kg/con, bán với giá 2 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Thân thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm từ việc bán giống và cầy thương phẩm.
"Cơ sở chăn nuôi của tôi hiện được nhiều người chăn nuôi cầy ở khắp khu vực phía Bắc biết đến thông qua mạng xã hội. Nhiều nông dân trong cả nước tìm đến để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và đặt hàng mua con giống", ông Thân chia sẻ.
Minh Hoa (t/h)