Phụ nữ trẻ mới ngoài đôi mươi gan dạ làm công việc dịch vụ hỗ trợ người đã khuất
Công việc ở nghĩa trang khi thực hành nghi thức lễ sẽ có những phần việc như hỗ trợ công tác an táng, hỗ trợ sắp lễ và cúng/khấn tại mộ phần vào các ngày giỗ, lễ, Tết, ngày Rằm và mồng Một… Điều lạ là công việc này thu hút cả phụ nữ trẻ.
Nhắc đến những công việc, dịch vụ về tâm linh, trong tâm tưởng nhiều người sẽ nghĩ rằng, đây là công việc của những người quá tuổi trung niên với mái đầu điểm bạc. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, không ít người trẻ ưu tiên lựa chọn công việc dịch vụ thực hành nghi thức lễ.
Chị Nguyễn Mai Nhung (SN 2000, ở thôn Đễnh, xã Mông Hóa, Lương Sơn, Hòa Bình) là phụ nữ trẻ phụ trách nghi thức lễ tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (ở Hòa Bình). Vừa bước sang tuổi 24 nhưng chị Nhung đã gắn mình với công việc hỗ trợ các gia chủ có mộ phần tại nghĩa trang gần 2 năm nay.
Mặc dù theo học chuyên ngành Thú y tại trường Đại học Lâm Nghiệp và sau khi tốt nghiệp ra trường, chị Nhung cũng mong mỏi tìm được một công việc đúng chuyên ngành là dành trọn tình yêu thương cho động vật. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, hành trình tìm kiếm việc làm không được như mong đợi, bởi nếu tìm được công việc đúng chuyên ngành, đòi hỏi rất nhiều về mặt sức khỏe, chấp nhận được yếu tố rủi ro về mặt kiểm dịch, tiếp xúc động vật…
Bởi vậy, thời điểm chị Nhung đang chật vật tìm kiếm việc làm, từ người thân, chị biết đến công việc hỗ trợ các gia chủ trong chăm sóc mộ phần. Công việc không quá vất vả, lại chỉ cách nhà chưa đầy 2km, chị Nhung đã mạnh dạn thử sức với công việc liên quan đến tâm linh.
Chị Nhung cho rằng, ngoài yếu tố gần nhà thì công việc này đến với chị còn vì một chữ "duyên". Bởi thời điểm năm 2022 chị Nhung bắt đầu với công việc này, nhóm phụ trách nghi thức lễ tại nghĩa trang chỉ cần thêm 1 nhân sự.
Chị Nhung cho rằng: "Bố mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu hơn, trong khi đó, chị gái lại lấy chồng nơi xa nên việc chăm lo sức khỏe bố mẹ do tôi đảm nhiệm. Hơn nữa, tôi là người hướng nội, từ nhỏ tôi luôn thích đi đến những nơi có khung cảnh yên tĩnh, không xô bồ. Hơn hết, tôi cũng là người thích tìm hiểu về tâm linh. Bởi vậy, khi bén duyên với công việc hỗ trợ người đã khuất ở nghĩa trang, tôi thích công việc và sự yên tĩnh nơi đây".
Theo chị Nhung, bộ phận của chị đang làm được mọi người gọi vui là "tổ cúng", tức là hỗ trợ các gia chủ thắp hương, "lên mâm", "lên hương" vào ngày mồng Một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng và ngày giỗ, Tết, lễ… hoặc khi gia chủ đề nghị hỗ trợ đột xuất. Công việc chủ yếu là sắp lễ, sắp mâm là thực phẩm mặn hoặc chay, trà-quả…
Chị Nhung cho biết: "Khi bắt tay vào công việc, tôi sẽ kiểm tra danh sách trong ngày hôm nay sẽ có bao nhiêu gia đình an táng nhân thân tại nghĩa trang. Sau đó, tôi sẽ tương tác hai chiều với khách hàng về các thủ tục, những việc cần làm hoặc cần hỗ trợ tại nghĩa trang. Thường thì chúng tôi sẽ hỗ trợ các phần việc tại đầu nghĩa trang nhưng sắp lễ, nước nôi, căng bạt…".
"Vào các ngày Rằm, hoặc đầu tháng âm lịch hoặc giỗ, lễ, Tết… các gia chủ sẽ chủ động liên hệ chị em nhân viên nghĩa trang đề nghị hỗ trợ sắp lễ, thậm chí là đề nghị hỗ trợ cúng, khấn tại mộ phần. Chúng tôi sẽ hỗ trợ theo đề nghị của gia chủ. Trong quá trình làm, chúng tôi có thể quay toàn bộ video và gửi lại cho gia chủ hoặc "video call" trực tiếp trong quá trình làm", chị Nhung cho hay.
Vì công việc có tính chất tâm linh nên chị Nhung cho rằng, "trần sao âm vậy", việc hỗ trợ các gia chủ tại mộ phần cũng là một cách làm phúc nên chị và những chị em khác trong "tổ" luôn tròn vẹn trong công việc, với mong mỏi người đã khuất luôn hài lòng, yên nghỉ.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Trâm – người chuyên thực hành nghi thức lễ tại mộ phần ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên cho biết: "Công việc của chúng tôi hỗ trợ các gia đình dọn dẹp mộ phần, chuẩn bị mâm lễ và lên hương cho các gia đình. Chúng tôi sẽ quay lại quá trình thực hành lễ thanh minh này và gửi cho gia chủ. Một mặt, gia chủ làm lễ tại nhà. Như vậy, rất thuận tiện cho gia chủ".