'Hội chứng' sợ Chủ nhật: Khi cuối tuần trở thành nỗi ám ảnh
Ngày Chủ nhật, lẽ ra là thời gian để thư giãn và tận hưởng cuộc sống, nhưng với nhiều người trẻ, nó lại trở thành một nỗi ám ảnh. Cảm giác uể oải, lo âu thường xuyên bủa vây, khiến họ không thể tận hưởng trọn vẹn những giờ phút cuối tuần. Điều này có thể giải thích bằng hiện tượng mà nhiều người gọi là "hội chứng sợ ngày Chủ nhật".
Vì sao giới trẻ sợ ngày nghỉ?
Thực trạng làm việc quá tải, thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần mà phụ cấp thấp hoặc không nhận được bất cứ chế độ phụ cấp nào đang là vấn đề bức xúc của nhiều lao động Việt Nam. Việc phải làm việc nhiều hơn quy định, thậm chí cả ngày nghỉ mà không được trả thêm đang gây ra sự bất công và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như cuộc sống của họ.
Chị Phạm Phương Thảo (24 tuổi), đang là nhân viên bán hàng cho một showroom nội thất tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Cứ đến ngày Chủ nhật là mình lại thấy ám ảnh. Vì làm dịch vụ nên không ngày nào đối với mình là ngày nghỉ cả. Chủ nhật không đi làm thì cũng phải trả lời tin nhắn của khách, phản hồi khách chậm là sếp lại réo tên liên tục. Mà làm thêm giờ thì phụ cấp cũng không to tát gì, chỉ 25.000 đồng/giờ. Nói thật nhiều khi nhắc đến mình rất nản, nhưng vì kinh tế khó khăn nên phải cắn răng làm việc tiếp”.
Chị Thảo tâm sự rằng, nhiều khi làm việc vào ngày Chủ nhật mà không có khách hàng nào ghé thăm thì cũng như không, bởi vì thu nhập của chị phụ thuộc phần lớn vào doanh số bán hàng. Mà không ai trực ở showroom cũng không được vì làm dịch vụ nên không hôm nào đóng cửa. Thậm chí, nhiều khi khách vào đột ngột lúc giờ ăn và nghỉ trưa, chị phải bỏ dở phần ăn hoặc ăn uống rất qua loa để lo tư vấn cho khách.
Đối với chị Thảo, định nghĩa “ngày nghỉ” dường như rất mơ hồ. Vì vậy, mặc dù là ngày cuối tuần nhưng chị cảm thấy rất uể oải và mệt mỏi.
Là ngày nghỉ nhưng phải tất bật chuẩn bị cho tuần mới bắt đầu
Theo khảo sát của Talker Research (Mỹ), có đến 74% các bạn Gen Z trải qua cảm giác sợ Chủ nhật ít nhất một lần mỗi tháng vì áp lực chuẩn bị cho tuần làm việc sắp tới. Thêm vào đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng 33% các bạn thuộc thế hệ Gen Z cảm thấy lo lắng về những công việc họ cần hoàn thành trong tuần, trong khi 28% cảm thấy không chắc chắn về diễn biến của tuần tới. Điều đáng chú ý là 42% Gen Z cho biết căng thẳng về việc hoàn thành công việc ngay trước khi tuần mới bắt đầu là một nguyên nhân chính gây ra lo lắng. Điều này cho thấy các bạn trẻ đang phải đối mặt với áp lực công việc khá lớn ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp. Họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng khi nghĩ đến những nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt được trong tuần mới.
Chị Trần Thị Như Quỳnh (27 tuổi), đang là nhân viên marketing cho một công ty về kỹ thuật công nghiệp (Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ: “Công ty mình được nghỉ mỗi ngày Chủ nhật. Thế nên ngay trong chiều Chủ nhật là mình phải lên kế hoạch truyền thông cho tuần tới để kịp deadline. Mặc dù đây là một bước khởi động một tuần mới hiệu quả nhưng tính ra mình không có thời gian nghỉ ngơi thực sự”.
Giống như chị Quỳnh, anh Chu Thanh Tùng (26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ về nỗi lo sợ ngày Chủ nhật: “Khoảng thời gian mình mong đợi nhất là chiều thứ sáu, cảm giác nôn nao được tan làm, chuẩn bị về quê hay đi chơi ăn nhậu, không phải suy nghĩ hay vướng bận gì. Nhưng cứ hễ đến ngày Chủ nhật thì lại thấy mệt mỏi với deadline công việc, báo cáo tiến độ với sếp. Trên hợp đồng lao động, thứ bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng thỉnh thoảng sếp lại “em ơi xử lý gấp…” mà không phản hồi lại thì cũng dở. Thế nên nhắc tới Chủ nhật lại “rén” lắm”.
Làm thế nào để vượt qua?
Theo nhà tâm lý học Brooke Sprowl, nhà sáng lập dịch vụ tư vấn trị liệu My La Therapy (Mỹ), giải thích rằng "nỗi sợ Chủ nhật" thường liên quan đến sự chuyển giao đột ngột từ những ngày cuối tuần thư thái sang tuần mới bận rộn.
"Một trong những cách hiệu quả nhất để vượt qua cảm giác này là thay đổi cách nhìn về ngày Chủ nhật như một khoảng thời gian để ổn định tâm trí thay vì căng thẳng. Thay vì coi đó là ngày cuối cùng được thư thái, hãy tận dụng buổi chiều để chuẩn bị cho tuần mới một cách chủ động. Các bạn có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ hoặc đơn giản là dành thời gian suy ngẫm" - bà Brooke Sprowl chia sẻ.
Cuộc sống hiện đại với nhịp độ chóng mặt khiến chúng ta dễ rơi vào vòng xoáy của căng thẳng. 'Nỗi sợ Chủ nhật' là một ví dụ điển hình cho thấy chúng ta cần phải có những khoảng thời gian thư giãn và cân bằng để duy trì sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, thay vì để nỗi lo ấy chi phối, hãy chủ động biến Chủ nhật thành một ngày để nạp lại năng lượng và chuẩn bị cho một tuần làm việc hiệu quả. Bằng cách lên kế hoạch, thư giãn và chăm sóc bản thân, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được cảm xúc và tạo dựng một cuộc sống cân bằng.