Có được trả lại phí công đoàn khi nghỉ việc không?
Người lao động sau khi nghỉ việc yêu cầu trả lại phí công đoàn vì cho rằng thời gian làm việc chưa được sự hỗ trợ nào của công đoàn có được không?
1. Có được trả lại phí công đoànkhi nghỉ việc không?
Căn cứ Điều 28 Luật Công đoàn 2012, tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.
Theo đó, số tiền công đoàn do người lao động là đoàn viên đóng (đoàn phí) đã là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn. Không có cơ sở để yêu cầu trả lại phí công đoàn. Vì vậy, người lao động sau khi nghỉ việc sẽ không được trả lại phí công đoàn đã đóng.
Người lao động sau khi nghỉ việc sẽ không được trả lại phí công đoàn (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Tài chính công đoàn được hình thành từ những khoản nào?
Căn cứ Điều 26 Luật Công đoàn 2012, tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:
(i) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
(ii) Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
(iii) Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ.
(iv) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
3. Mức đóng đoàn phí năm 2024 của người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 23 Quyết định 1098/QĐ-TLĐ năm 2016, mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước áp dụng cho các đối tượng sau:
- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối).
- Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định.
- Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
- Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài.
Như vậy, người lao động làm việc ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, mức đóng đoàn phí hằng tháng là 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hổi nhưng tối đa không quá 10% lương cơ sở (234,000 đồng). Mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
4. Người lao động đóng đoàn phí theo phương thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Quyết định 1098/QĐ-TLĐ năm 2016, có các phương thức đóng đoàn phí sau đây:
(i) Đóng trực tiếp hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (theo phân cấp của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn).
(ii) Đoàn phí công đoàn thu qua lương hàng tháng (tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên. Trong trường hợp này, số thu đoàn phí công đoàn phải có xác nhận của phòng kế toán đơn vị và có danh sách chi tiết đoàn viên đóng đoàn phí.
Lưu ý: Khuyến khích đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở đổi mới phương thức thu, nộp đoàn phí công đoàn bằng công nghệ hiện đại (thu qua tài khoản cá nhân, qua thẻ ATM...) trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa đoàn viên với công đoàn cơ sở và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý bằng văn bản.
Theo đó, người lao động có thể đóng đoàn phí trực tiếp hàng tháng cho tổ công đoàn,.. hoặc công đoàn sẽ thu qua lương hàng tháng.