Nuôi gà theo kiểu 'nhàn tênh' chẳng giống ai, anh nông dân kiếm tiền tỷ rất nhẹ nhàng
Nuôi gà theo kiểu "nhàn tênh", anh Phan Nhật Quang (SN 1970), Giám đốc HTX Xuân Tiến, thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, có mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình anh Phan Nhật Quang chỉ nằm cách quốc lộ 4E khoảng hơn 1km. Quy mô trang trại rộng lớn được đầu tư khoa học, bài bản từ việc đầu tư hệ thống camera giám sát, máng nước uống, thức ăn cho gà tự động, quạt gió…
Anh Quang kể với Dân Việt: Năm 1991, anh tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Sau khi trở về địa phương anh công tác tại Ủy ban dân số tỉnh Lào Cai.
Đến năm 1995, anh xin nghỉ ở cơ quan Nhà nước và chuyển sang mở cơ sở chế biến chè Xuân Quang nhưng do thiếu kinh nghiệm nên thất bại, thua lỗ. Do vậy, anh đã chuyển giao lại cơ sở chế biến chè này cho nông trường Phong Hải.
Mãi đến năm 2008, anh Quang mới bắt đầu tập trung vào đầu tư phát triển chăn nuôi và vận động các hộ dân cùng nhau thành lập HTX Quý Hiền, với quy mô khoảng 200.000 con gà.
Sau khi có kinh nghiệm, vốn, năm 2017, anh Phan Nhật Quang đã tách từ HTX Quý Hiền để thành lập HTX Xuân Tiến, với 12 thành viên do anh Quang làm Giám đốc HTX.
Quy mô sản xuất chăn nuôi trên 80.000 con gà đen, ác thuần chủng, gà ri, gà mía, trong đó, riêng gia đình anh Quang nuôi 50.000 con. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 400 đến 500 tấn gà thịt.
Với bước đi đúng hướng như vậy đã đem lại tổng doanh thu cho HTX khoảng hơn 40 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 4 tỷ đồng/năm.
Thu nhập của các thành viên từ 200 đến hơn 2 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương, với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Theo báo Lào Cai , không đơn thuần là tập hợp những người làm mô hình chăn nuôi, thể hiện sự chuyên nghiệp, nhu cầu phát triển bền vững, anh Phan Nhật Quang đã soạn thảo nguyên tắc hoạt động của HTX Nông nghiệp Xuân Tiến gồm "5 chung".
Bắt đầu bằng "chung đường", các xã viên cùng nhau sản xuất một loại hàng hóa là gà thả vườn và lợn thương phẩm; "chung mua", cùng mua nguồn vật tư đầu vào có uy tín, chất lượng; "chung bán", các xã viên xây dựng kế hoạch phân phối ra thị trường, không để tình trạng xã viên tự cạnh tranh nguồn cung sẽ bị ép giá, mất giá; "chung tiền", xã viên tham gia quỹ tài chính của HTX để tạo ra nguồn vốn lưu động lớn; "chung thị trường", sản phẩm chăn nuôi của HTX Nông nghiệp Xuân Tiến đang phân phối phần lớn cho các nhà hàng tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, ngoài tỉnh là Lai Châu, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, các xã viên của HTX sẵn sàng chia sẻ đầu mối cung ứng theo nguyên tắc "có đi, có lại".
Nói về kinh nghiệm 30 năm tham gia và điều hành HTX chăn nuôi, anh Phan Nhật Quang bảo, môi trường hội nhập quốc tế càng đòi hỏi nền kinh tế tri thức phải được đề cao.
"Nếu bạn dựa vào kinh nghiệm thì chỉ là sự đúc kết thói quen trong 20 năm, 30 năm, khi thực tế thay đổi kinh nghiệm sẽ lạc hậu nhanh chóng. Nếu bạn dựa vào tri thức thì điểm tựa là thành quả phát triển của cả nhân loại, bạn sẽ tiếp cận có hệ thống nền khoa học, kỹ thuật của cả thế giới này. Bạn cũng không lo ngại sự thay đổi vì đã nắm được nguyên lý vận hành của thế giới", anh Quang nói.
Tiết lộ thêm về kỹ thuật chăn nuôi gà hiệu quả, anh Phan Nhật Quang chia sẻ: Mỗi năm các thành viên trong HTX sẽ được tham gia 3 lớp tập huấn về kỹ thuật để nâng cao tay nghề, kinh nghiệm chăn nuôi gà.
Bên cạnh đó, HTX ký kết hợp tác với Công ty thuốc thú y Việt Nam nên bên Công ty có một nhân viên thú y thường xuyên giám sát, hỗ trợ các thành viên trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt là quá trình tiêm phòng vaccine, phun tiêu độc khử trùng cho gà đều phải theo một quy trình nghiêm ngặt.
Ngoài ra, trong các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên HTX không phải được chuyển giao những kỹ thuật cơ bản nữa mà là cập nhật những kiến thức chăn nuôi mới nhất hàng ngày, như bệnh tật mới trên con gà.
Về công suất nuôi, tùy theo nhu cầu và giá cả của thị trường, HTX sẽ điều chỉnh nguồn nhập con giống đầu vào theo từng tháng theo phương thức nuôi gối vụ nhưng sẽ giãn cách để điều chỉnh được khi lượng gà xuất bán quá lớn hoặc thấp...
Nói về chuyển đổi số trong phát triển chăn nuôi, anh Quang cho rằng trước kia anh Quang phải ôm cả cục tiền đi nhập hàng thì giờ chỉ cần cầm theo cái điện thoại. Với vài cái ấn phím là xong, hay việc quảng bá con gà chuẩn bị xuất bán cho khách ở tỉnh Vĩnh Phúc chỉ cần gửi ảnh chốt giá xong.
Với những bước đi bài bản, đúng hướng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, năm 2019, anh Phan Nhật Quang đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Minh Hoa (t/h)