Bác sĩ gấp 1.600 con hạc giấy bằng dụng cụ mổ nội soi
Bác sĩ Lê Hữu Thắng cho biết mỗi con hạc giấy được gấp bằng dụng cụ mổ nội soi đều cần kiên trì tập luyện, từ đó giúp thành thạo kỹ năng mổ, cứu sống bệnh nhân.
Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Sản phụ khoa Lê Hữu Thắng nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ video gấp hạc giấy để luyện tay nghề mổ nội soi. Với dụng cụ nhỏ như đầu ngón tay, bác sĩ Thắng gấp hạc một cách khéo léo tỉ mỉ khiến nhiều người nể phục. Một trong những video của anh thu hút 4 triệu lượt xem.
Bác sĩ Thắng tốt nghiệp Bác sĩ nội trú sản phụ khoa tại Đại học Y dược Huế năm 2019. Anh công tác tại Bệnh viện Hùng Vương TP HCM từ năm 2020 đến nay. Bác sĩ cho biết mổ nội soi khó hơn mổ trực tiếp bởi phải nhìn vào màn mình để thao tác thay vì trực tiếp chạm và cảm nhận. Theo anh, mổ nội soi đòi hỏi tay nghề cao, nếu bác sĩ mổ khéo léo, vết cắt nhỏ, bệnh nhân hồi phục nhanh, ngược lại nếu không tập luyện kỹ càng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Trong 9 năm học tập và thực hành, bác sĩ từng tập mổ nội soi trên mô hình tại trường. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp vì tự cảm thấy chưa thành thạo, anh tìm hiểu và đặt mua bộ mổ nội soi ở nước ngoài để có thể chủ động tập luyện. "Lúc đó mới ra trường, còn khó khăn về kinh tế, tôi mua một bộ mổ nội soi giá rẻ chỉ 5 triệu đồng từ Ấn Độ", bác sĩ Thắng cho biết. Anh giải thích thêm, nếu mua một bộ thực hành mổ nội soi đầy đủ có giá 10 triệu đồng bao gồm cả bộ khung thực hành phẫu thuật để luyện tập cắt, tuy nhiên anh chỉ lấy bộ dụng cụ mổ còn tự chế bộ khung, tận dụng thùng các tông từ tiệm tạp hóa của mẹ. Sau ba tháng anh mới hoàn thiện được kỹ năng khâu, vá, gắp.
Năm 2020, bác sĩ Thắng trăn trở vì không có mục tiêu rõ ràng để tập luyện. Anh lên mạng tìm hiểu và biết được một nhóm bác sĩ ở Nhật tập mổ nội soi bằng cách gấp hạc giấy. Nhận thấy gấp hạc tương tự như khi phẫu thuật mổ nội soi, có hai mục tiêu cần chinh phục là thời gian và độ chính xác, bác sĩ Thắng lập tức liên hệ với nhóm bác sĩ Nhật xin tham gia.
Mỗi ngày vào thời gian rảnh, anh gấp khoảng 2-3 con hạc. Đến nay, anh đã gấp khoảng 1.600 con hạc giấy. Để gấp được một con hạc giấy trong 6-7 phút bằng dụng cụ mổ nội soi, bác sĩ từng trải qua nhiều tháng kiên trì, nỗ lực tập luyện. "Con hạc đầu tiên tôi gấp mất 45 phút nhưng sau đó tôi vẫn kiên trì tập và kết quả là thời gian xuống dần 20 phút, 15 phút. Hiện tại, kỷ lục của tôi là 5 phút 20 giây", anh nhớ lại.
Lê Hữu Thắng cho biết năm 2020, anh là bác sĩ quốc tế duy nhất tham gia cuộc thi do các bác sĩ Nhật tổ chức online với tên gọi "God's hand challenge" nhằm tìm ra người gấp nhiều hạc giấy nhất. Anh còn nhớ từng tập luyện mỗi ngày gấp hai con, một tháng gấp 60 con để thi đấu. Năm 2021, tại hội nghị Phụ khoa và Nội soi châu Á, anh đã xuất sắc vượt qua 19 bác sĩ, đạt vị trí thứ hai với thời gian gấp hạc giấy trong 5 phút bằng dụng cụ mổ nội soi.
Mặc dù đã dành nhiều thời gian, tâm huyết tập luyện, theo bác sĩ Thắng, thực tế vẫn còn nhiều thách thức. "Một trong những khác biệt lớn nhất khi phẫu thuật so với lúc thực hành là áp lực về mặt tâm lý làm thế nào cho chính xác. Chỉ cần sai một bước có thể khiến bệnh nhân gặp biến chứng", anh cho biết. So với những bác sĩ không có điều kiện tập luyện nhiều, phải trải qua 10-20 ca mổ để làm quen, bác sĩ Thắng nói anh mổ thành thạo chỉ sau vài lần.
Khoảng một năm gần đây, bác sĩ Thắng gián đoạn việc tập luyện do lập gia đình và bận rộn với công việc. Tuy nhiên, các video anh đăng trên mạng xã hội vẫn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bác sĩ khác trong việc nâng cao tay nghề. Mới đây, bác sĩ Thắng đã viết một bài hướng dẫn chi tiết cách gấp hạc giấy bằng dụng cụ mổ nội soi chia sẻ cho khoảng 10 bác sĩ trẻ có mong muốn tìm hiểu. Anh hy vọng điều này giúp các bác sĩ trẻ trong nước có thêm môi trường tập luyện, trao đổi kinh nghiệm để kỹ năng phẫu thuật ngày một phát triển.
Phạm Linh