"Xào" lại thông tin hoàn cảnh khó khăn rồi kêu gọi từ thiện để lừa đảo
Tạo dựng nội dung không có thật về các số phận bất hạnh, thậm chí "xào" lại các bài báo viết về những hoàn cảnh khó khăn, đăng tải trên mạng xã hội, rồi xen cài số tài khoản tiếp nhận từ thiện để nhận nguồn tiền ủng hộ.
"Thay tên đổi họ" các hoàn cảnh đáng thương để trục lợi
Đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cảnh báo đến người dân nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng có hành vi lợi dụng dịch COVID-19, tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là: Tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về các số phận bất hạnh, khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ. Hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.
Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi "xào" lại thông tin để đăng tải trên mạng xã hội. Sau đó xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để nhận nguồn tiền ủng hộ.
Mới đây, một số tài khoản mạng xã hội Facebook tên "Cố đô Huế", "Nguyễn Mẫn", "Thịnh Sine", "Nguyễn Phương Nga"... đã đăng nội dung xin lỗi về việc đăng tải sai sự thật và kêu gọi vận động từ thiện quyên góp ủng hộ cháu bé bị bỏng nặng cần cứu giúp. Theo đó, các tài khoản này cho biết, chỉ vì quá thương cảm cho hoàn cảnh cháu bé mà họ đã vội tin tưởng (thông qua cuộc điện thoại với người cha tên Hậu với giọng khóc lóc thảm thiết) và đứng ra kêu gọi từ thiện.
Liên quan đến hoàn cảnh đáng thương của cháu bé, trước đó, đã có bài báo đăng tải kêu gọi giúp cháu bé, ghi rõ địa chỉ, liên lạc của bố cháu bé. Tuy nhiên sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, lấy thông tin từ bài báo nhưng thay tên đổi họ nhân vật, địa phương và phần kêu gọi ủng hộ thì tài khoản, số điện thoại không phải là của nhân vật đã đăng trước đó.
Có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo cơ quan công an, các bài viết được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ từ 50.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền được các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục "kêu gọi từ thiện"...
Từ những vụ việc trên, cơ quan chức năng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội.
Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội.
Yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy-Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền; hoặc toàn bộ số tiền đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 - BLHS năm 2015.
Để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
H. Phong