Hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú

24/10/2024 18:30

Bài viết sau có nội dung về việc giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú được quy định trong Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC.

Hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú

Hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì việc giải quyết đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú được thực hiện như sau:

- Khi có người bị truy nã đến đầu thú thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú. Trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân các cấp thì các cơ quan này phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú và giải ngay người đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

- Khi tiếp nhận người bị truy nã ra đầu thú, Cơ quan điều tra phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú (nếu cơ quan bàn giao chưa lập biên bản) và lấy lời khai về hành vi phạm tội, quá trình trốn, lý do đầu thú và những vấn đề khác có liên quan.

- Người phạm tội bị truy nã ra đầu thú thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999.

- Người có quyết định thi hành án phạt tù bỏ trốn bị truy nã ra đầu thú nhưng đang bị bệnh hiểm nghèo (có kết luận của Hội đồng y khoa Bệnh viện cấp tỉnh trở lên), phụ nữ có thai (có xác nhận của Bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên), người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người lao động duy nhất trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương) nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì Tòa án có thể cho tạm hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 61 Bộ luật hình sự 1999.

2. Quy định về việc ra quyết định truy nã 

Việc ra quyết định truy nã được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

“Điều 2. Đối tượng bị truy nã

1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.

3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.

4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.

5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.”

+ Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

- Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã; trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã.