Bộ Quốc phòng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất với chức vụ của sĩ quan

25/10/2024 10:26

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất với chức vụ của sĩ quan.

Bộ Quốc phòng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất với chức vụ của sĩ quan- Ảnh 1.

Cụ thể, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật số 19/2008/QH12 và khoản 3 Điều 1 Luật số 72/2014/QH13:

1. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:

+ Đại tướng, số lượng không quá 03, bao gồm: 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 

Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

+Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm:

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân không quá 06;

Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng không quá 03;

Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng;

+ Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân; số lượng không quá 398;

Các chức vụ, chức danh quy định từ điểm h đến điểm r tại khoản 1 Điều 11:

h) Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Binh chủng; Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Vùng Hải quân;

i) Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh), Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
k) Phó Sư đoàn trưởng, Phó Chính ủy Sư đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh;
Lữ đoàn trưởng, Chính ủy Lữ đoàn;
l) Phó Lữ đoàn trưởng, Phó Chính ủy Lữ đoàn;
Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn; Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện), Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
m) Phó Trung đoàn trưởng, Phó Chính ủy Trung đoàn; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
n) Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn;
o) Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn;
p) Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội;
q) Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội;
r) Trung đội trưởng.


+ Các chức vụ, chức danh quy định từ điểm h đến điểm r tại khoản 1 Điều 11 Luật này và các chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy.

2. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng;

3. Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn quy định tại khoản 2 Điều này và trường hợp đặc biệt được phong, thăng quân hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.

4. Chính phủ quy định cụ thể vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.