Đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận
Đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận (Hình từ internet)
Đề xuất không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo lần 5 Luật Nhà Giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV.
Theo khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo như sau:
3. Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo
a) Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
b) Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo;
c) Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sẽ không được công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Quy định này nhằm bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay.
Đề xuất những việc giáo viên không được làm
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài quy định trên, nhà giáo không được làm các việc sau:
- Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
- Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
- Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
- Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
- Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
(Khoản 1 và 2 Điều 5 dự thảo Luật)
Đề xuất quyền và nghĩa vụ của giáo viên
(1) Quyền của nhà giáo
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài quy định trên, nhà giáo còn có các quyền sau:
- Được giảng dạy, giáo dục phù hợp với chuyên môn đào tạo; được nhận xét, đánh giá, khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định;
- Được chủ động phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung theo chương trình giáo dục; chủ động lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục;
- Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ;
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và phát triển nghề nghiệp;
- Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định;
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
- Được tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tổ chức liên quan khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
(2) Nghĩa vụ của nhà giáo
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về viên chức; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngoài quy định trên, nhà giáo còn có các nghĩa vụ sau:
- Giảng dạy, giáo dục đúng mục tiêu, nguyên lý giáo dục; thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;
- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nhà giáo; mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội; bảo đảm liêm chính học thuật;
- Tôn trọng, đối xử công bằng và tham gia bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người học;
- Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy phẩm chất và năng lực của người học;
- Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, tham gia nghiên cứu và áp dụng khoa học giáo dục đối với giáo viên;
- Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo;
- Chịu trách nhiệm pháp lý nếu có hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 11 Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.