Thực hư thông tin chất tạo ngọt aspartame trong cà phê có nguy cơ gây ung thư
Trước thông tin mà nhiều Tiktoker cho rằng, chất tạo ngọt aspartame (E951) trong một số sản phẩm cà phê có nguy cơ gây ung thư, chuyên gia về dinh dưỡng của Đại học Y Hà Nội đã giải đáp chi tiết với Báo Sức khỏe và Đời sống.
Tranh cãi về chất tạo ngọt aspartame
Thời gian vừa qua, trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng chất tạo ngọt aspartame (E951) có chất gây ung thư đã gây hoang mang dư luận. Những thông tin này còn được các Tiktoker nhắc đến kèm theo một số sản phẩm liên quan đến cà phê được sản xuất và bán cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trên thực tế, tranh cãi về chất tạo ngọt aspartame (E951) không phải mới xuất hiện gần đây, mà cách đây chưa lâu, vào tháng 7/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra thông điệp liên quan.
Theo đó, WHO xếp chất làm ngọt nhân tạo aspartame vào danh sách các chất "có thể gây ung thư cho con người" nhưng lưu ý chất này vẫn an toàn nếu được tiêu thụ trong giới hạn khuyến nghị hằng ngày. Đây là chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến được tìm thấy trong hàng ngàn sản phẩm như soda ăn kiêng và kẹo cao su không đường.
Kết luận nói trên được đưa ra dựa trên hai hoạt động nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh ung thư và chất aspartame. Hoạt động thứ nhất là của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO. Cơ quan này xếp aspartame vào danh sách các chất có thể gây ung thư thuộc phân nhóm 2B, sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, các thí nghiệm trên động vật là chưa đủ bằng chứng để khẳng định chất này là tác nhân gây ung thư.
Với việc IARC đánh giá aspartame là "chất có thể gây ung thư cho con người", thì đồng nghĩa có ít bằng chứng cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn với ung thư. Như vậy, aspartame sẽ được xếp vào cùng nhóm với chiết xuất lô hội và một số loại rau ngâm chua ở châu Á.
Còn ở hoạt động thứ hai, một nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban chuyên gia chung về phụ gia thực phẩm do WHO cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) thành lập thì lại kết luận rằng, dựa vào phân tích và đánh giá dữ liệu, không có lý do gì để thay đổi khuyến nghị mức tiêu thụ hằng ngày đối với chất aspartame.
Hội đồng Kiểm soát calo (CCC) - Cơ quan quốc tế đại diện cho ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống ít calo và giảm calo - cho biết aspartame được tìm thấy trong khoảng 6.000 sản phẩm trên toàn cầu.
Chất tạo ngọt nhân tạo này thường xuất hiện trong các sản phẩm "ăn kiêng" hoặc "không đường". Đây là chất phổ biến có trong các loại nước ngọt có gas (như Diet Coke, Coke Zero và Pepsi Zero Sugar…), nhiều loại thực phẩm (như nước sốt salad không đường, kem ít calo, gelatin, bánh pudding…) hay kẹo cao su không đường. Aspartame cũng có thể được dùng trong những sản phẩm mà người ta có thể không ngờ tới, chẳng hạn như trong kem đánh răng hoặc thuốc.
Không quá đáng lo ngại
Theo ThS.BS Dương Thị Phượng - Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chất tạo ngọt aspartame (E951) là một loại chất tạo ngọt nhân tạo, có thành phần từ đường aspartame và phenylalanin, có tác dụng làm ngọt. Chất tạo ngọt nhân tạo này có vị ngọt hơn 200 lần vị ngọt của đường tự nhiên như đường saccharose (đường mía, đường thốt nốt,...), thường được sử dụng để tạo ngọt cho một số sản phẩm trên thị trường như nước ngọt, bánh kẹo, sữa chua,... và một số loại thực phẩm bổ sung, như đường ăn kiêng dành cho người mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Phượng cho biết, aspartame (E951) là một trong những chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, đã có mặt trên thị trường từ những năm 1970.
“Aspartame có vị ngọt mạnh, khi sử dụng chỉ cần một lượng nhỏ để tạo ngọt cho thực phẩm, có hàm lương calo thấp và không làm tăng đường huyết nên được sử dụng trong sản phẩm có gắn nhãn hàm lượng calo thấp. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều lượng aspartame có thể gây một số tác động tiêu cực đến sức khoẻ như làm kích thích thần kinh, tạo cho thần kinh cảm giác quen với các thực phẩm có vị ngọt, làm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm có vị ngọt.
Một số nghiên cứu khác cho rằng, việc sử dụng quá liều lượng chất tạo ngọt aspartame trong thời gian dài gây kích thích thần kinh, có thể dẫn đến việc tăng cảm giác lo âu và các rối loạn thần kinh khác. Sử dụng quá liều lượng aspartame còn có thể gây gây ra các vấn đề về đường tiêu hoá, đặc biệt với những người mắc hội chứng ruột kích thích, có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá, thay đổi hệ vi sinh,...”, bác sĩ Phượng nói thêm.
Cũng theo ThS.BS Dương Thị Phượng, các nghiên cứu trên động vật vào những năm 1970 cho thấy một mối liên quan nhất định giữa việc sử dụng aspartame với các nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư bàng quang. Tuy nhiên, những nghiên cứu tiến hành trên người trong việc sử dụng aspartame ở liều lượng an toàn và thường dùng không cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng aspartame với nguy cơ mắc bệnh ung thư.
“Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và WHO cũng đã khuyến nghị sử dụng ở mức độ an toàn chất tạo ngọt aspartame và có thể sử dụng chất này cho con người. Do đó, việc sử dụng lượng aspartame theo liều lượng khuyến nghị trong thực phẩm, khoảng 40- 50mg/kg cân nặng trong một ngày vẫn ở mức độ an toàn và không có mối liên quan nào đáng kể với nguy cơ mắc ung thư” bác sĩ Phượng nhấn mạnh.
Các chuyên gia nước ngoài sau khi nghiên cứu, đã đưa ra thông tin cho rằng, một lon đồ uống giải khát có gas thường chứa từ 200-300mg chất làm ngọt nhân tạo aspartame. Do đó, người lớn có thể trọng 70kg nếu tiêu thụ hơn 9 đến 14 lon mỗi ngày thì mới vượt quá mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được, với giả thiết người đó không tiêu thụ thêm aspartame từ bất kỳ nguồn thực phẩm và đồ uống nào khác.
Quay trở lại các sản phẩm sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo, cà phê nấm linh chi ở Việt Nam gây xôn xao dư luận gần đây, có thể thấy, nếu trong một kg sản phẩm có chứa từ 80mg đến 100mg chất aspartame (như nhà sản xuất công bố) thì với người trưởng thành, mỗi ngày phải sử dụng trên 1500 gói cà phê này mới đối diện với nguy cơ sức khỏe.
Như vậy, có thể thấy, thông tin dùng nước ngọt hay cà phê chứa chất aspartame có nguy cơ gây ung thư là hoàn toàn chưa chính xác và đầy đủ. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mỗi người cần sử dụng hợp lý, cần phải đọc nhãn thành phần của thực phẩm trước khi sử dụng để biết lượng đường mình đưa vào cơ thể mình sao cho phù hợp.