Từ vụ sao nhí khóc lớn tại sự kiện vì hoảng sợ trước người hâm mộ, giới hạn nào về lao động trẻ em?
Cuối tháng 9/2024, vụ việc sao nhí khóc lớn trong một sự kiện tại TP.HCM khiến dư luận tranh cãi, đặt ra câu hỏi lớn về việc đảm bảo quyền lợi cho Kidfluencer cũng như việc hoàn thiện các quy định mới về bảo vệ lao động trẻ em tại Việt Nam.
Kidfluencer hoảng loạn trước đám đông
Kidfluencer là khái niệm chỉ những người có sức ảnh hưởng là trẻ em (dưới 18 tuổi), hoạt động sản xuất nội dung trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội.
Gần đây, khi tham gia một sự kiện của nhãn hàng tổ chức tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM, một “hot kid” 2 tuổi đã khóc lớn khi bị vây quanh bởi hàng nghìn người hâm mộ tham gia sự kiện.
Ngay sau đó, gia đình của sao nhí đã nhận chỉ trích lớn về việc “thương mại hoá" con gái khi sử dụng sự nổi tiếng của con để kiếm tiền. Hành động để em bé khóc lớn tại sự kiện đông đúc cũng khiến nhiều người cảm thấy bất bình, cho rằng việc để trẻ nhỏ tiếp xúc với tiếng ồn lớn dễ làm các em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Tuy nhiên, gia đình của “hot kid” chia sẻ, sự nổi tiếng của sao nhí chỉ bắt đầu từ những video chia sẻ những hình ảnh, kỉ niệm đáng yêu của em nhằm lưu giữ kỉ niệm với người thân. Mặc dù vậy, sự nổi tiếng trên mạng xã hội ở độ tuổi quá nhỏ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà ngay chính phụ huynh cũng chưa thể nhận thức rõ ràng.
Việc nổi tiếng trên mạng xã hội có thể tạo ra rào cản trong quá trình trưởng thành của trẻ em, giờ vui chơi trở thành giờ “lao động” để quảng cáo sản phẩm.
Kidfluencer hiện nay có độ tuổi rất nhỏ, hầu như chưa có quyền và khả năng giao kết hợp đồng lao động, vì vậy, việc các em tham gia đóng quảng cáo, quảng bá sản phẩm thường do cha mẹ ký kết, các khoản thu nhập cũng thuộc quyền quản lý của cha mẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bóc lột và lạm dụng lao động bởi chính phụ huynh.
Trong sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay, nền công nghiệp Kidfluencer phát triển với tốc độ chóng mặt và khó kiểm soát, khiến lỗ hổng trong việc quản lý các hiện tượng trên vẫn còn tồn tại.
“Cần phải có những quy định và chế tài để siết chặt hơn nữa”
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hồ Diên Trung, Giám đốc Công ty TNHH Luật Vilaw đã đưa ra một số quan điểm xoay quanh hiện tượng Kidfluencer.
Theo luật sư, Kidfluencer là một khái niệm còn khá mới ở Việt Nam, vậy nên chưa có những quy định trực tiếp về lao động trẻ em là Kidfluencer. Điều 1, Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và Bộ Luật lao động 2019 cũng đã có các quy định cụ thể về lao động trẻ em như sau:
Khi sử dụng lao động trẻ em, người sử dụng lao động phải đảm bảo các nguyên tắc sau: (1) Chỉ được thực hiện công việc phù hợp với sức khỏe; (2) Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động; (3) Phải có sự đồng ý của cha,mẹ/giám hộ; (4) Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
Không được sử dụng người dưới 13 tuổi vào làm việc trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
“Ngoài quy định tại Bộ luật lao động, còn có các luật khác quy định về trẻ em như Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình,... các quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm của người lớn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và sử dụng hình ảnh, lao động trẻ em để hạn chế việc người lớn, đặc biệt là người thân của các cháu lạm dụng hình ảnh và lao động trẻ em.
Theo quan điểm của chúng tôi, trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý, trí tuệ. Ở tuổi này, các em cần được ưu tiên dành thời gian và sức khỏe cho việc đến trường, học tập và rèn luyện thể chất, tinh thần”, luật sư chia sẻ thêm.
Luật sư Hồ Diên Trung cũng cho biết, thách thức đối với việc điều chỉnh luật phát về lao động trẻ em đó chính là tách biệt giữa quan hệ lao động/thương mại hóa hình ảnh của trẻ em để kiếm tiền và đời sống sinh hoạt của trẻ em.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh đăng tải hình ảnh con em kèm theo sản phẩm của nhãn hàng để quảng cáo cho nhãn hàng nhưng trên danh nghĩa là lưu giữ hình ảnh cá nhân/đăng tải hình ảnh cuộc sống thường nhật; hoặc như tình huống về việc phụ huynh bế em bé 2 tuổi đi cùng sự kiện, xét theo góc độ pháp lý đó cũng không được coi là quan hệ lao động, mà chỉ có thể được coi là việc cha mẹ dắt con đi ngoại khóa/đi chơi.
“Theo quan điểm của chúng tôi, để kiểm soát vấn đề trên cần phải có những quy định và chế tài để siết chặt hơn nữa về việc sử dụng trẻ em, sử dụng hình ảnh của trẻ em vào mục đích thương mại. Cần trao quyền cụ thể cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà trường, các cơ quan bảo vệ trẻ em để họ có thể thực hiện tốt hơn quyền giám sát và bảo vệ quyền lợi trẻ em.
Ví dụ, khi cho trẻ em tham gia các sự kiện hay xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng, cần phải quy định rõ tần suất, thời gian, mức độ xuất hiện, có sự đồng ý của trẻ, có sự tham gia ý kiến của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm,… Ngoài ra các em cũng nên có quyền tự quyết về việc gỡ bỏ hình ảnh của mình trên trang truyền thông mà không cần sự đồng ý của cha me/giám hộ cũng như được tách biệt nguồn thu nhập của mình cho đến khi đủ tuổi tự quyết”.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của trẻ theo pháp luật phụ huynh cần thực hiện những điều sau:
- Đảm bảo về thời gian mà trẻ sẽ thực hiện công việc (cân đối với thời gian học tập ở trường, ở nhà, rèn luyện thể chất, sinh hoạt với gia đình, nghỉ ngơi,...).;
- Đảm bảo nội dung mà trẻ thực hiện đúng với lứa tuổi, đúng với nguyện vọng của trẻ;
- Xác định rõ mục đích, thời hạn sử dụng hình ảnh của trẻ với nhãn hàng;
- Đảm bảo an toàn (cả về thể chất lẫn tâm lý) của trẻ khi cho trẻ tham gia các sự kiện đông người;
- Có những động thái bảo vệ hình ảnh, riêng tư của trẻ trên không gian mạng;
- Trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của trẻ. Trường hợp trẻ dưới 7 tuổi thì cần phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ và chỉ nên thực hiện khi trẻ đồng ý.
Kidfluencer có thể mang tới cho các sao nhí những trải nghiệm và cơ hội khác với bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên, sự phát triển hoàn chỉnh về tâm, sinh lý đối với mỗi đứa trẻ luôn và nên là sự ưu tiên hàng đầu với cuộc sống của các em.