Từ nghề cào ngao, người phụ nữ Thanh Hóa thu trăm tỷ mỗi năm

27/10/2024 21:55

Từ cào ngao mưu sinh, sau gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Biên (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã trở thành nữ tỷ phú nuôi ngao với diện tích hơn 50ha.

Xuất phát từ nghề cào ngao

Về xã Hoằng Thanh hỏi bà Biên “tỷ phú nuôi ngao” thì ai cũng biết. Người dân nơi đây không chỉ biết tới bà là người có thâm niên trong nghề nuôi ngao mà còn là đại diện duy nhất của tỉnh Thanh Hóa được bình chọn trong tổng số 63 nông dân xuất sắc tiêu biểu vừa được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh trong chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” năm 2024.

Từ nghề cào ngao, người phụ nữ Thanh Hóa thu trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 1.
Bà Biên hàng ngày vẫn ra bãi nuôi ngao của gia đình để làm việc. Ảnh: Lê Dương

Kể về hành trình khởi nghiệp, bà Biên (SN 1973) cho biết sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển, gắn bó với công việc cào ngao mưu sinh từ nhỏ. Nghề này không làm việc theo giờ mà phụ thuộc vào con nước và mùa vụ nên thu nhập bấp bênh.

Năm 2000, trong một lần đi chợ bán ngao, bà Biên gặp một thương lái Trung Quốc chuyên đi thu mua ngao thịt. Nhận thấy những người đi cào ngao ở quê mang ra chợ bán không hiệu quả, bà Biên quyết định chuyển hướng thu mua ngao của bà con trong xã để bán lại.

“Ngày đó không có vốn, tôi mua ngao chịu của bà con trong làng để nhập cho thương lái. Sau mỗi chuyến nhập hàng tôi lấy tiền trả cho bà con, tiền lãi tôi tiếp tục tiếp tục gom hàng. Cứ thế, sau nhiều năm, tôi đã có vốn riêng để khởi nghiệp”, bà Biên chia sẻ.

Từ nghề cào ngao, người phụ nữ Thanh Hóa thu trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 2.
Các lao động được bà Biên thuê làm thời vụ để cào ngao. Ảnh: Lê Dương

Khi đầu ra đã ổn định, ngao tự nhiên cũng dần khan hiếm. Bà Biên phải rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp làng trên xóm dưới, thậm chí sang cả các xã lân cận để thu mua rồi thuê đò chở ngao đi bán.

Nông dân có doanh thu lớn nhất Việt Nam

Nhận thấy nguồn ngao tự nhiên ngày càng ít, năm 2006, bà Biên tìm hiểu và vào miền Nam mua ngao giống về nuôi với diện tích khoảng 2ha đồng thời bán cho người dân nuôi ngoài biển. Bà cũng bao tiêu luôn đầu ra cho họ.

Từ nghề cào ngao, người phụ nữ Thanh Hóa thu trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 3.
Những con ngao mới được cào lên còn nguyên cát. Ảnh: Lê Dương

Vừa bán ngao giống vừa thu mua ngao thịt, kinh tế gia đình bà dần ổn định và khấm khá. Từ hơn 1ha bãi nuôi ngao ban đầu, sau gần 20 năm, người phụ nữ này mở rộng đầu tư thuê và mua lại các bãi nuôi ngao ở nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) để nuôi. Hiện bà có hơn 50ha bãi nuôi ngao thương phẩm và ngao giống.

Theo bà Biên, nghề nuôi ngao nếu thuận lợi, trúng vụ, thu nhập rất tốt. Nhưng nếu gặp mưa bão hay ô nhiễm môi trường, ngao chết, nguy cơ sạt nghiệp rất cao. Đơn cử, năm 2017, do ô nhiễm nguồn nước, ngao bị chết nhiều, thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

Từ nghề cào ngao, người phụ nữ Thanh Hóa thu trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 4.
Ngao thương phẩm đang có giá tại bãi là 12.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Dương

Không chỉ nuôi ngao thương phẩm, hiện gia đình bà Biên còn nuôi ngao giống cung cấp cho thị trường. Mỗi năm cơ sở nuôi ngao cung cấp giống nuôi cho diện tích trên 1.000ha; sản lượng nuôi trồng và thu mua trên 100.000 tấn ngao thương phẩm. Giá ngao trung bình tại bãi khoảng 12.000 đồng/kg, mỗi năm bà Biên thu về từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng.

Năm 2023, doanh thu từ ngao của bà Biên đạt 150 tỷ đồng, được Trung ương Hội nông dân Việt Nam xác lập “kỷ lục” nông dân có doanh thu lớn nhất Việt Nam.

Ông Lê Bá Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoằng Hóa, cho biết, bà Biên là gương nông dân điển hình tại địa phương trong nhiều năm qua. Vùng nuôi trồng ngao của nhà bà Biên cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 80 lao động, lúc cao điểm lên tới 120 người, chủ yếu là lao động địa phương.