'Dòng chảy di sản' trong Festival Ninh Bình 2024 sẽ tái hiện lịch sử như bộ phim cổ trang
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình cho biết "Festival Ninh Bình" 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản" được ví như bộ phim dã sử cổ trang tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng, giải mã những giá trị tinh hoa rực rỡ của Cố đô Hoa Lư.
Festival Ninh Bình lần thứ III với chủ đề Dòng chảy di sản diễn ra từ ngày 24 đến ngày 30/11 tại TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban tổ chức Festival Ninh Bình năm 2024 - Nguyễn Mạnh Cường - cho biết, đây là sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng và định vị thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình.
Các hoạt động trọng tâm của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 bao gồm 5 hoạt động chính: Khai mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 24/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình; Hội quán Dục Thúy Sơn từ ngày 26 đến 27/11 tại công viên Núi Thúy, thành phố Ninh Bình; chương trình nghệ thuật Ninh Bình - Sao Mai hội tụ vào 20h ngày 28/11 tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình; Lễ hội đường phố vào ngày 29/11 tại Cổng Tam quan, đường Tràng An, thành phố Ninh Bình và Bế mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 30/11 tại khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình.
Điểm nhấn của Festival Ninh Bình là sự kiện khai mạc sẽ diễn ra lúc 20h ngày 24/11 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình với chủ đề Dòng chảy di sản. Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và các nền tảng mạng xã hội.
Đây là lần đầu tiên, chương trình nghệ thuật Dòng chảy di sản được xây dựng theo phong cách điện ảnh như một bộ phim dã sử cổ trang được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa kết hợp giữa âm nhạc, vũ kịch và điện ảnh với công nghệ trình diễn hiện đại trên một sân khấu chuyển động 3D mapping. Bộ phim sẽ giải mã những câu chuyện huyền sử, dã sử và khơi mở những lớp trầm tích ẩn sâu dưới lòng đất về những giá trị tinh hoa rực rỡ của các cố đô xưa.
Chương trình cũng sẽ tái hiện những mốc son lịch sử, là những dấu ấn trọng đại trong ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam, những giai đoạn huy hoàng, rực rỡ nhất của các triều đại đã có công kiến tạo nên những kinh đô lâu đời và thịnh vượng nhất trong lịch sử dân tộc.
Điểm mới của Festival năm nay là không gian Hội quán Dục Thúy Sơn sẽ chính thức ra mắt tại công viên Núi Thúy, thành phố Ninh Bình. Theo đó, Công viên Núi Thúy sẽ được biến thành một không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, ngâm thơ, ngắm trăng và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian.
Chương trình nghệ thuật Ninh Bình - Sao Mai hội tụ diễn ra tối 28/11 tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình. Nhiều ca sĩ hát trong sự kiện như: Tùng Dương, Thanh Duy, Phương Mỹ Chi, Ca nương Kiều Anh...
Lễ hội đường phố diễn ra ngày 29/11 tại Cổng Tam quan, đường Tràng An, thành phố Ninh Bình, với các phần trình diễn trang phục, cổ phục truyền thống và biểu diễn nghệ thuật đường phố do các đoàn nghệ thuật của các địa phương trong và ngoài tỉnh Ninh Bình tham gia trình diễn.
Cuối cùng, Lễ bế mạc Festival Ninh Bình tối 30/11 là Đại nhạc hội dân gian điện tử tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham. Đó là một bữa tiệc âm nhạc dân gian đương đại kết nối các thế hệ người yêu nhạc mang tên "Í A Fest".