Lý do không nên cố chạy xe lúc gần hết nhiên liệu

HÀ NAM(Tổng hợp) 06/11/2024 06:00

Việc tài xế cố chạy xe lúc gần hết nhiên liệu là không tốt cho động cơ và cả những bộ phận khác.

Theo chuyên gia, nhiên liệu trong bình xe luôn phải đảm bảo còn khoảng một nửa. Tuyệt đối không nên cố chạy khi thấy kim báo nhiên liệu báo ở mức sắp cạn. Lúc đó, tài xế nên đổ bổ sung ngay lập tức.

Các chuyên gia phân tích, nếu xe thường xuyên hoạt động trong trạng thái cạn kiệt nhiên liệu thì rất dễ gây hư hỏng động cơ và các bộ phận cơ khí khác. Vì mỗi chiếc xe đều có rất nhiều bộ phận cơ khí được thiết kế trong điều kiện ngập nhiên liệu để hoạt động ở mức tốt nhất, qua đó giúp động cơ tăng độ bền cao, tránh được sự ăn mòn từ những tác nhân bên ngoài.

Bên cạnh đó, bơm xăng có nhiệm vụ đưa nhiên liệu từ bình xăng tới buồng đốt, đây được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống bơm. Nếu tài xế cố gắng di chuyển khi bình xăng của xe đã cạn sẽ gây ra nhiều tổn thất, đặc biệt ở bộ phận lọc và mô tơ.

Theo đó, khi xe di chuyển trong trạng thái bình xăng cạn, không khí sẽ chạy qua và thay nhiên liệu làm mát cho cuộn dây đồng trong bơm xăng, đồng nghĩa với việc cuộn dây đồng không thể làm mát một cách hiệu quả, dẫn đến mô tơ điện bị quá nhiệt và dễ hư hỏng.

Tài xế không nên để xe cạn kiệt bình nhiên liệu. (Ảnh minh họa).
Tài xế không nên để xe cạn kiệt bình nhiên liệu. (Ảnh minh họa).

Cùng với đó, khi xe di chuyển với bình xăng cạn, các chất cặn trong bình cũng bị hút vào trong máy bơm để cung cấp cho động cơ. Việc này tái diễn nhiều lần sẽ khiến lượng cặn của nhiên liệu bồi đắp nhiều hơn trong bình, làm hiệu suất hoạt động kém hơn hoặc gây ra tình trạng ăn mòn động cơ.

Bởi khi cặn bám trong bình xăng sau đó hút lên sẽ bám vào bộ lọc, khiến bộ lọc bị nghẽn và nhiên liệu không đến được buồng đốt, xe sẽ rất khó khởi động, thậm chí nếu quá nhiều cặn sẽ không thể khởi động được. Ngoài ra, khi dòng chảy nhiên liệu bị cản trở bởi cặn bám vào lõi lọc sẽ gây ảnh hưởng đến việc làm mát mô-tơ điện bơm xăng.

Trong khi đó, nếu ô tô hoạt động với nhiên liệu đầy, bình xăng lúc này cũng trở thành bình giải nhiệt và làm mát cho mô tơ điện, bởi quá trình hút xăng từ bình đến động cơ, nhiên liệu cần đi qua một bơm xăng hình tròn và làm mát các cuộn dây đồng.

Vì thế nếu chủ phương tiện không muốn phải tốn thêm chi phí sửa chữa như thay lọc nhiên liệu hay bơm xăng khi chưa đến kỳ bảo dưỡng thì cần chú ý quan sát đồng hồ xăng, nạp thêm nhiên liệu khi đồng hồ báo ở mức tối thiểu để xe được vận hành bền bỉ và kéo dài tuổi thọ.

Chưa kể đến việc tài xế để bình nhiên liệu thường xuyên cạn kiệt trong một thời gian dài có thể dẫn tới gỉ sét bình chứa, gây bục và rò rỉ nhiên liệu. Khi đó nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy xe sẽ vô cùng cao.

HÀ NAM(Tổng hợp)

HÀ NAM(Tổng hợp)