Các biểu hiện cảnh báo bạn đang mắc rối loạn lo âu
Lo âu là một cảm xúc quen thuộc, vì thế chúng ta thường dễ bỏ qua những tác động của nó lên chất lượng cuộc sống. Hiện tượng lo âu, căng thẳng kéo dài và không được điều trị hiệu quả sẽ trở thành trầm cảm.
Theo thống kê tỷ lệ người Việt Nam có khả năng mắc các bệnh về tâm thần một lần trong đời chiếm 15 - 20% dân số. Trong số đó, bệnh rối loạn lo âu chiếm tới hơn 10%.
Những lo lắng trong cuộc sống, công việc...dẫn đến mất ngủ, căng thẳng, ăn kém ngon,... từ đó gây nên các bệnh thực thể như huyết áp, dạ dày.
Phân loại rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu có nhiều loại trong đó có thể là:
- Rối loạn stress sau sang chấn: là một rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu.
- Ám ảnh sợ xã hội: sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường. Người bệnh thường ngại giao tiếp, làm việc, gặp gỡ và tụ tập nơi đông người.
- Rối loạn lo âu khi xa cách: sự lo âu thái quá khi phải xa cách môi trường hoặc người đem lại cảm giác an toàn. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là trẻ em.
- Rối loạn lo âu lan tỏa: có đặc điểm cơ bản là sự lo âu lan tỏa và dai dẳng đồng thời không giới hạn và nổi bật trong bất cứ tình huống đặc biệt nào.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng. Người bị ảnh hưởng của bệnh có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được.
Dấu hiệu cảnh báo mắc rối loạn lo âu
- Sợ hãi không rõ nguyên nhân, nghiêm trọng hơn dẫn đến ám ảnh. Ở những tình huống cụ thể, người bệnh sẽ trải qua cảm xúc này và không thể khắc phục được nỗi sợ hay nỗi ám ảnh đó.
- Căng thẳng, lo lắng thái quá các sự việc bình thường diễn ra xung quanh: Đây là triệu chứng điển hình của chứng rối loạn lo âu.
- Khó giữ được bình tĩnh, nói nhiều, đi lại liên tục, não bộ gặp khó khăn trong việc suy nghĩ.
- Suy giảm khả năng tập trung, trí nhớ giảm sút do tinh thần căng thẳng trong một thời gian quá dài.
- Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, thở không sâu, thở gấp.
- Tay chân bị run, ra nhiều mồ hôi, hoặc bị tê buốt.
- Cảm thấy cơ thể thiếu sinh lực, mệt mỏi, uể oải, cơ xương khớp bị đau mỏi.
- Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
- Rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, tăng hoặc sụt cân đột ngột.
- Rối loạn giấc ngủ: liên tục thấy buồn ngủ hoặc thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Nghi ngờ chính bản thân mình: tự đặt ra nhiều câu hỏi nghi hoặc chính bản thân và các sự việc xảy ra xung quanh, dẫn đến sự thiếu tự tin, ngại giao tiếp và thích nghi với cuộc sống bên ngoài.
Nếu không được can thiệp và điều trị, rối loạn lo âu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cảm giác lo lắng, bất an thường trực dẫn đến tình trạng uể oải, mệt mỏi, thiếu sinh lực, chán nản với cuộc sống hiện tại.
Người bệnh trở nên khép kín, ngại giao tiếp với xã hội, giảm thiểu khả năng thích nghi với cuộc sống, làm giảm chất lượng cuộc sống, học tập, công việc.
Sức khỏe thể chất bị giảm sút do rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ kéo dài. Các biến chứng nguy hiểm khác như: trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, tự hủy hoại cơ thể, …
Rối loạn lo âu có chữa được không?
Rối loạn lo âu hoàn toàn có thể chữa trị hiệu quả nhờ liệu pháp trị liệu can thiệp gồm:
- Trị liệu tâm lý: nhà tâm lý có thể thực hành các liệu pháp như liệu pháp nhận thức - hành vi, liệu pháp chấp nhận và cam kết,...
- Các kỹ thuật chăm sóc bổ sung: chánh niệm, yoga hay kỹ năng quản lý stress là một số phương pháp bổ sung hay thay thế trong việc điều trị rối loạn lo âu.
- Trị liệu dùng thuốc: không loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm hay phòng ngừa rối loạn lo âu. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống lo âu hay chống trầm cảm nhằm cải thiện các triệu chứng và giúp người bệnh sinh hoạt tốt trở lại.
Tóm lại: Rối loạn lo âu cần điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống tự tin, khỏe mạnh, vui vẻ và cải thiện chất lượng công việc, học tập, các mối quan hệ xã hội. Khi phải trải qua những dấu hiệu tinh thần và thể chất báo động rối loạn lo âu người bệnh nên được thăm khám, tư vấn và điều trị với bác sĩ chuyên môn.