Những bài thuốc y học cổ truyền được quảng cáo rất tốt nhưng vì sao có người sử dụng vẫn gặp tai họa?
GĐXH – Theo các chuyên gia, hiện nay, thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.
Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý hiếm. Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế.
Cả nước đã hình thành các vùng trồng dược liệu lớn, với những cây thuốc quý như: Sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân... Các loại dược liệu ở nước ta đang được sử dụng để làm thuốc, thực phẩm và hoá mỹ phẩm.
Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đóng vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện có khoảng 40% bệnh nhân ở tuyến y tế cơ sở, 20% bệnh nhân ở tuyến tỉnh và 10% bệnh nhân ở tuyến trung ương được điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Bên cạnh đó, cả nước hiện có gần 70.000 hội viên Hội Đông y, với hơn 11 nghìn phòng chẩn trị và trung tâm đông y. Trong đó có nhiều lương y sở hữu những bài thuốc quý giá, gia truyền nhiều đời.
Theo các chuyên gia, thuốc y học cổ truyền không có ưu thế điều trị bệnh cấp tính nhưng có đóng góp điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm như xương khớp, tim mạch, rối loạn tăng mỡ máu, đái tháo đường…Theo đó, một số bệnh viện đã triển khai ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc giảm nhẹ bệnh ung thư, điều trị đái tháo đường.
Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều nơi, người dân dùng dược liệu để chăm sóc sức khỏe hoặc làm thuốc đều do thói quen, nghe người khác mách bảo. Hoặc có tình trạng sử dụng nhầm dược liệu, sử dụng không đúng mục đích của các bài thuốc y học cổ truyền khiến dược liệu không phát huy được tác dụng, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng chú ý là các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.
Đề cập về tình trạng này trong buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Cục nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ ở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng mạo danh, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, gây mất uy tín và đe dọa sức khỏe người dân.
Đặc biệt, tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ các kênh Facebook, Tiktok, Youtube... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền.
Ngoài ra, tình trạng tẩm ướp, phun các chất bảo quản vào dược liệu, thuốc đông y để bán ra thị trường khiến nhiều người mua sử dụng thời gian dài bị suy gan, suy thận phải nhập viện cấp cứu cũng gây nhiều bức xúc cùng mối e ngại đối với các loại dược liệu và bài thuốc y học cổ truyền.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thịnh khẳng định, các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) và các bệnh viện chính thống không bao giờ phun, tẩm ướp, sử dụng chất bảo quản trong dược liệu, thuốc đông y. Chỉ có các sản phẩm không chính thống, hoặc một số "ông lang, bà mế" nào đó có thể sử dụng chất bảo quản, người bệnh mua về sử dụng, gặp phải những bệnh lý đáng tiếc.
Vì vậy, theo ông Thịnh, biện pháp quan trọng nhất để tránh những trường hợp này là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cảnh giác với các đối tượng lừa đảo. Khi có nhu cầu dùng các bài thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh, người dân cần đến các cơ sở uy tín để được kê đơn, bốc thuốc đúng với tình trạng bệnh, không nghe và tin theo những quảng cáo thổi phồng công dụng thuốc gia truyền, đông y của các "lang băm" để tránh "tiền mất tật mang".