Luật sư của bạn

Đi nghĩa vụ quân sự khác gì so với đi nghĩa vụ công an?

08/11/2024 07:25

Nghĩa vụ công an và nghĩa vụ quân sự đều có vai trò quan trọng là bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hai loại nghĩa vụ này có khác nhau?

Thế nào là nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an?

Đi nghĩa vụ quân sự là gì?

Tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (Điểm a Khoản 4 Điều này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019) quy định về nghĩa vụ quân sự cụ thể như sau:

- Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

- Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

  • Nghĩa vụ quân sự 2025: Công dân sinh năm nào hết tuổi nhập ngũ?Nghĩa vụ quân sự 2025: Công dân sinh năm nào hết tuổi nhập ngũ?ĐỌC NGAY

- Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

- Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:

+ Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

+ Hoàn thành nhiệm vụ tham gia công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.

+ Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị.

+ Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.

Đi nghĩa vụ quân sự khác gì so với đi nghĩa vụ công an?- Ảnh 2.
Nghĩa vụ công an và nghĩa vụ quân sự đều có vai trò quan trọng là bảo vệ Tổ quốc. Ảnh minh họa: TN

Đi nghĩa vụ công an là gì?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Công an nhân dân 2018 quy định về nghĩa vụ tham gia công an nhân dân cụ thể như sau:

Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Đi nghĩa vụ quân sự khác gì so với đi nghĩa vụ công an?

Tiêu chí
Nghĩa vụ quân sự
Nghĩa vụ công an
Thời gian phục vụ
- 2 năm.
- 2 năm.
Tiêu chuẩn tuyển chọn
- Có lý lịch rõ ràng;
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ;
- Có trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên. Địa phương khó đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì tuyển chọn người có trình độ lớp 7.
- Có lý lịch rõ ràng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự...
- Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Tốt nghiệp trung học phổ thông. Riêng địa bàn khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Ưu tiên tuyển chọn người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết.
- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe khác.
Quyền lợi được hưởng
- Được nghỉ phép 10 ngày nếu phục vụ tại ngũ từ tháng 13 trở đi;
- Được hưởng nhiều khoản trợ cấp khi xuất ngũ
- Được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm khi xuất ngũ
- Được hưởng các chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ trong lực lượng vũ trang
- Được trợ cấp học nghề hoặc trợ cấp tạo việc làm
- Được ưu tiên thi tuyển vào các trường Công an nhân dân
- Được hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của Chính phủ.

Dù công dân đi nghĩa vụ quân sự hay nghĩa vụ công an thì đều là việc công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi công dân thực hiện tham gia nghĩa vụ công an thì sẽ không cần thực hiện tham gia nghĩa vụ quân sự.

Thân nhân người đi nghĩa vụ quân sự, đi nghĩa vụ công an được hưởng chế độ gì?

Thân nhân của người đi nghĩa vụ công an được hưởng các quyền lợi sau:

– Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do Ngân sách nhà nước bảo đảm;

– Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;

– Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Thân nhân của người đi nghĩa vụ quân sự được hưởng các quyền lợi sau:

- Nhà ở gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến sập, hư hỏng: Trợ cấp 3 triệu đồng/suất/lần.

- Thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên: Trợ cấp 500.000 đồng/thân nhân/lần.

- Thân nhân từ trần, mất tích: Trợ cấp 2 triệu đồng/người.

- Con đẻ, con nuôi hợp pháp: Được miễn, giảm học phí.

- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.