Sản lượng sò huyết nuôi dưới tán rừng phòng hộ giảm mạnh

Theo Văn Sĩ (TTXVN) 08/11/2024 07:03

Sò huyết là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, được nuôi nhiều năm qua ở một số huyện ven biển trong tỉnh Kiên Giang với đa dạng hình thức như nuôi đăng quầng bãi triều ven biển và nuôi trong ao, kênh, mương dưới tán rừng phòng hộ.

Sản lượng sò huyết nuôi dưới tán rừng phòng hộ giảm mạnh- Ảnh 1.
Ông Lê Văn Quyền, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang thu hoạch sò huyết nuôi trong đất rừng phòng hộ được giao khoán.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, khoảng 6 đến 7 năm trở lại đây hiệu quả nuôi giảm có thể do chất lượng nguồn nước không đảm bảo.Là người tiên phong nuôi xen canh sò huyết trong vuông dưới tán rừng phòng hộ của huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, ông Tôn Văn Tường cho biết, từ năm 1997 gia đình bắt đầu nuôi sò huyết xen canh với tôm sú, cua biển. Theo đó, từ năm 2015 trở về trước, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng nhưng từ sau 2015 đến nay thu nhập giảm còn 250 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm.Theo ông Tường, sò huyết là đối tượng dễ nuôi, không tốn công chăm sóc, người nuôi chỉ cần mua con giống thả xuống vuông và trong suốt quá trình nuôi chỉ cần thực hiện việc lấy nước ngoài biển vào giống như nuôi tôm, cua biển mà nông dân đã nuôi nhiều thập kỷ qua. So với nuôi tôm, cua biển, con sò huyết cho lợi nhuận cao hơn từ 5 - 6 lần và trong những năm 2000 - 2015, hàng chục nông dân ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh đã giàu lên từ mô hình nuôi độc lập sò huyết, hoặc nuôi xen canh tôm sú, cua biển với sò huyết trong cùng một diện tích.Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, không rõ nguyên nhân do đâu, tỷ lệ sò huyết của hầu hết nông dân địa phương đều gặp khó khăn, sản lượng thu hoạch giảm khoảng 40 - 70% so với nhiều năm trước đó. Không chỉ vậy, đầu ra của sò huyết thương phẩm cũng gặp khó do thương lái thu mua nhỏ giọt, mỗi ngày vài chục ký, kéo dài khoảng 20 ngày làm cho sò chết khoảng 10 - 15% gây thất thu cho nông dân.Ông Tôn Văn Ghi, xã Thuận Hòa, huyện An Minh cũng bày tỏ trăn trở, gia đình có 2ha nuôi sò huyết 15 năm qua. Trước năm 2015, mỗi năm gia đình thả từ 300kg sò huyết giống (cỡ 500 - 800 con/kg) sẽ thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn sò huyết thương phẩm, thu nhập gần 300 triệu đồng; còn từ sau năm 2015 đến nay sản lượng thu hoạch thường dưới 2 tấn, có đợt chỉ vài trăm ký. Sản lượng sò giảm là do sò nuôi bị chết rãi rác từ lúc thả giống đến thu hoạch.“Tôi và nhiều nông dân nuôi sò huyết ở đây vẫn mua con giống có sẵn trong tự nhiên do ngư dân cào bán và vẫn áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi như hàng chục năm trước, nhưng không rõ nguyên nhân vì sao sò chết khá nhiều. Chỉ tính ở ấp Bần A này nếu như trước đây có 30 hộ nuôi thì hiện tại chỉ còn khoảng 15 hộ nuôi, một số người bị thiệt hại nhiều vụ đã không trụ lại được, trong khi số còn lại cũng không mạnh dạn thả nuôi”, ông Ghi nói.Ông Lê Văn Quyền, người gắn bó hơn 25 năm với nghề nuôi sò huyết ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, ông và một số nông dân địa phương nhận định nguyên nhân dẫn đến sò huyết bị thiệt hại, sản lượng giảm mạnh trong khoảng 8 năm trở lại đây rất có thể do nguồn nước bị ô nhiễm. Vì thời điểm sò huyết nuôi bị chết thường xuyên nhiều năm qua trùng với thời gian một số nhà máy chế biến thủy sản nằm ở khu vực ven biển đi vào hoạt động đến nay.“Chúng tôi mong ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, quan trắc môi trường xem việc xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản có đảm bảo hay không và kiểm tra mẫu sò huyết chết để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp, hướng khắc phục”, ông Quyền nói.Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2024 diện tích nuôi sò huyết của tỉnh ước khoảng 2.300 ha, sản lượng 4.485 tấn (năng suất bình quân 1.950 kg/ha/năm). So với năm 2017 tăng 6,98% về diện tích và 22,7% về sản lượng, năng suất bình quân tăng thêm 250 kg/ha/năm.Về một số khó khăn, hạn chế của nghề nuôi sò huyết trong thời gian qua là do đa số bà con nuôi ngoài bãi triều ven biển, khó kiểm soát về chất lượng nước; con giống chưa chủ động, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên theo mùa vụ (hiện nay trong nước chưa có cơ sở sản xuất giống sò huyết); việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…

Thời gian tới, ngành tập trung rà soát, bố trí vùng, khu vực nuôi sò huyết hợp lý; tăng cường quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh để giúp người nuôi ứng phó; khuyến khích tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết có biện pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thủy sản tìm hiểu và sớm đưa ra giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu giảm thiểu rủi ro cho người nuôi sò huyết.

Sản lượng sò huyết nuôi dưới tán rừng phòng hộ giảm mạnh- Ảnh 2.
Ông Tôn Văn Ghi, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang thu hoạch sò huyết nuôi trong đất rừng phòng hộ được giao khoán.

“Việc nông dân cho rằng nuôi sò huyết kém hiệu quả thời gian qua do một số nhà máy chế biến thủy sản xả thải gây ô nhiễm nguồn nước là chưa đủ cơ sở khẳng định. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của nhà máy chế biến thủy sản; kịp thời đề xuất xử lý nếu phát hiện vi phạm”, ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.


Theo Văn Sĩ (TTXVN)