Xã Vĩnh Sơn là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều diện tích tôm nuôi của người dân mất trắng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Gia đình anh Trần Đức Thông (ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn) làm nghề nuôi tôm từ năm 1999, tuy nhiên 2 lần phải chịu thiệt hại nặng là vào đợt mưa lũ năm 2020 và đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua. Theo anh Thông, gia đình anh có 6 hồ nuôi, đây là vụ chính để phục vụ cho thị trường Tết do đó đã thả nuôi được khoảng 30 ngày. Thông thường, vụ thu hoạch cuối năm 1kg tôm (khoảng 80-100 con) có giá thành 150 nghìn đồng, trừ đi chi phí người dân thu lời khoảng 70 nghìn đồng. Thế nhưng, vụ tôm này gia đình anh Thông gần như mất trắng. "Mưa lớn, nước lên nhanh khiến chúng tôi bất lực nhìn các hồ tôm bị nhấn chìm, thiệt hại 6 hồ ước tính hơn 300 triệu đồng. Chưa kể bây giờ phải bỏ công để xử lý lại hồ và không kịp để thả nuôi trong năm nay", anh Thông nói. Anh Ngô Quang Hướng (trú thôn Phan Hiền) cho biết, hộ anh vừa thả giống nuôi được hơn 30 ngày thì gặp phải đợt mưa lũ. "3 hồ nuôi của tôi có diện tích hơn 1 héc ta, tiền giống bỏ ra hơn 100 triệu đồng, nay tôm trôi theo lũ, coi như mất trắng", anh Hướng buồn bã nói. Theo người dân xã Vĩnh Sơn, đợt lũ vừa qua nước lên rất nhanh, dù có chuẩn bị nhưng cũng không kịp trở tay. Nước lũ nhanh chóng tràn vào hồ nuôi, tôm không thể thích nghi với nước bạc nên số thì chết, số còn lại trôi theo dòng nước, gây thiệt hại nặng. Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, ảnh hưởng cơn bão số 6 gây mưa lớn, ngập lụt trên địa bàn vào ngày 27-28/10. Thống kê ban đầu, mưa lũ gây thiệt hại 160 héc ta diện tích nuôi tôm, 15 héc ta nuôi cá và hơn 30 héc ta sắn. "Lũ gây thiệt hại nặng đối với nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Hiện xã thành lập tổ công tác tiến hành rà soát, nắm tình hình, kiểm đếm mức độ thiệt hại của bà con để kiến nghị các cấp xem xét có phương án hỗ trợ”, ông Dũng nói. Được biết, đợt mưa lũ vừa qua toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 300 héc ta tôm nuôi bị ảnh hưởng, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, bên cạnh phối hợp với địa phương tiến hành rà soát, kê khai thiệt hại các đơn vị cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiến hành các bước tiêu độc, khử trùng vệ sinh ao hồ và hệ thống nuôi sau lũ.