Cần những 'mạch dẫn' như 'See tình' của Hoàng Thùy Linh
TS.KTS Nguyễn Quang đã dẫn chứng sự sáng tạo của See tình - Hoàng Thùy Linh và những dự án kết hợp với hiphop của 'ngọc bảo' cải lương Bạch Tuyết như là "mạch dẫn" truyền thống và đương đại, đưa văn hóa dân tộc tiếp cận ở góc độ toàn cầu.
Phải nhìn văn hóa ở góc nhìn người trẻ và hội thức toàn cầu
Buổi Tọa đàm "Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại" tại Bảo tàng Hà Nội đã thu hút sự tham gia bàn luận của các chuyên gia, các nhà văn hóa, nhà quản lý chia sẻ về những nét độc đáo của văn hóa Hà Nội được thể hiện trong mạng lưới các không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội.
Tham dự là các diễn giả, khách mời: TS. Nguyễn Quang, kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau; Ths Phạm Minh Quân, nhà nghiên cứu nghệ thuật, giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội; GS.Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính, tác giả của không gian triển lãm gốm nghệ thuật "Hiện linh" sẽ được triển lãm vào ngày 10/11 tới đây.
Các diễn giả đã chỉ ra rằng, không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.
TS.KTS Nguyễn Quang cho rằng, đối với người làm nghệ thuật, với không gian sáng tạo, muốn thu hút thì phải tiếp cận trên góc nhìn của người trẻ và phải tương tác với xã hội nhiều hơn.
TS Nguyễn Quang dẫn chứng: "Tôi nghe See tình của Hoàng Thùy Linh thấy rất hấp dẫn vì nó truyền tải được nhiều nét dân ca của Việt Nam nhưng lại được trộn trong một tiết tấu sôi động, toàn cầu nên có khả năng lan truyền rất rộng.
Một nghệ sĩ cải lương được ví "ngọc bảo" của Việt Nam là bà Bạch Tuyết, gần 80 tuổi vẫn tạo lên những MV hàng triệu view nhờ kết hợp cải lương với hiphop, tạo nên giá trị văn hóa mới vừa dân tộc nhưng cũng rất đương đại. Nghệ thuật sáng tạo chính là tạo nên những khác biệt như vậy".
Ở góc độ hội họa, họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng được coi là một "mạch dẫn" tiêu biểu cho tinh thần "truyền thống - văn hiến".
"GS Ngô Xuân Bính từng sống ở nước ngoài nhiều nhưng bằng tâm hồn dân tộc, sự thấu hiểu sâu sắc ở bên trong của văn hóa tri thức, văn hóa Việt và hội thức toàn cầu, ông đã có sự sáng tạo riêng biệt để đưa ra sản phẩm văn hóa vừa có tính thời đại, vừa có dấu ấn truyền thống dân tộc", TS.KTS Nguyễn Quang nhận định.
Cần nhiều hơn những "mạch dẫn" như Bạch Tuyết, Ngô Xuân Bính, Hoàng Thùy Linh
Và để có nhiều hơn những "mạch dẫn" văn hóa như NSND Bạch Tuyết, họa sĩ Ngô Xuân Bính, ca sĩ Hoàng Thùy Linh, theo TS.KTS Nguyễn Quang: "Trong thế giới toàn cầu hóa, các lĩnh vực đan xen vào nhau, người nghệ sĩ nên thoát khỏi góc nhìn chuyên ngành chuyên biệt. Bảo tàng chính là nơi để nhiều không gian, lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, rồi từ sự gặp gỡ đó sẽ tạo nên nhiều sự sáng tạo mới. Không gian đó không chỉ dành cho người Việt mà phải hướng đến toàn cầu".
Ở góc nhìn của người sáng tạo, GS, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng những gì ông làm trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật đều xuất phát từ khát vọng "làm sống lại giá trị của lịch sử" và "đưa một phần giá trị thực đến với cộng đồng" nhưng "nhiều khi bị vướng cơ chế".
Họa sĩ cũng nêu vấn đề, điều quan trọng để thu hút nguồn lực sáng tạo của nghệ sĩ chính là tạo ra một không gian văn hóa. Và Bảo tàng Hà Nội cũng cần có sự thay đổi để kết nối, kêu gọi nghệ sĩ.
"Lâu rồi chúng ta không quan tâm đến không gian trình bày. Phải nhìn không gian trình bày là một tác phẩm, là không gian sáng tạo. Nhưng không phải chỉ tôi mới tạo được không gian triển lãm này", họa sĩ Ngô Xuân Bính nói.
Ông cũng cho rằng còn rất nhiều người sở hữu số lượng tác phẩm nghệ thuật khổng lồ nhưng chưa chọn cách tiếp cận công chúng. "Đa số nghệ sĩ là nghèo nhưng những nghệ sĩ mà tôi biết, có nguồn tài chính nhiều hơn tôi do bán tranh là không dưới 40 người. Có những nhà sưu tập sở hữu 2-3 nghìn bức tranh. Với những tiềm năng ấy, tại sao chúng ta không làm cho họ có sự quan tâm đến đây?
Triển lãm cá nhân chưa phải quan trọng nhất mà triển lãm của tất cả các nguồn lực ấy mới là quan trọng. Nếu ta biết đặt vấn đề với họ và họ cũng muốn thông qua việc triển lãm đó để đến với công chúng, và thậm chí đến với nhà sưu tập tranh không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Nếu ta biết cách làm thì ta sẽ tạo ra được dòng chảy văn hóa, biến thành sàn giao dịch về văn hóa. Mà nghệ thuật khi đã trở thành sàn dao dịch nó đã gắn với tài chính rồi", họa sĩ Ngô Xuân Bính trăn trở.
Từ góc nhìn này, nhiều năm qua, họa sĩ Ngô Xuân Bính đã góp phần cùng với Bảo tàng Hà Nội đang tạo nên một dòng chảy văn hóa đáng trân trọng. Các triển lãm cá nhân của ông từ "Thông linh", "Ego – Người" và sắp tới đây là "Hiện linh" đều lựa chọn Bảo tàng Hà Nội để triển lãm, biến nơi đây trở thành địa chỉ hấp dẫn trong việc thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật.
Đặc biệt, mỗi cuộc triển lãm của họa sĩ Ngô Xuân Bính đều trở thành một sự kiện đặc sắc nhất trong các hoạt động diễn ra tại đây, với nhiều cái nhất, không chỉ về số lượng tác phẩm, thời gian triển lãm (kéo dài hàng năm trời) mà còn ở ý tưởng sáng tạo (chủ đề, nội dung, chất liệu…).
Triển lãm "Hiện linh" lần này của họa sĩ Ngô Xuân Bính cũng sẽ tiếp tục phong cách vốn có của ông, khi giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc, được trưng bày trên diện tích hàng nghìn m2. Các tác phẩm cũng được tiết lộ rằng "những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam".
Triển lãm gốm "Hiện Linh" chính thức khai mạc vào sáng ngày 10/11/2024 đến hết ngày 31/12/ 2025 tại Bảo tàng Hà Nội.
Năm 2023 ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh gây sốt đến mức trở thành hiện tượng toàn cầu khi được nhiều ngôi sao đình đám cover hoặc hát, nhảy theo và chia sẻ trên TikTok. Yếu tố tạo nên sức hút của See tình là ở vũ đạo bắt mắt, vui nhộn và dễ học theo nhưng ở góc độ chuyên môn, ca khúc còn được đánh giá cao khi truyền tải được những thông điệp về văn hóa thông qua việc khai thác âm hưởng truyền thống và hiện đại. Tính trên mọi nền tảng nghe nhạc và các mạng xã hội, lượng nghe trực tuyến của See tình đến nay có thể lên tới hàng trăm triệu lượt nghe.
NSND cải lương Bạch Tuyết năm 2022 đã được tạp chí Forbes ghi nhận là 1 trong top 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng châu Á nhờ những đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Ở tuổi gần 80, bà vẫn tạo nên những MV vài chục triệu view khi kết hợp với nghệ sĩ trẻ đưa cải lương "hòa tấu" cùng rap, R&B, như ca khúc Về nghe mẹ ru, kết hợp cùng ca sĩ Hoàng Dũng, gây sốt mạng xã hội trong năm 2022; kết hợp cùng ca sĩ Hồ Phi Nal thực hiện MV Cô Ba ca cổ; kết hợp cùng rapper Wowy thực hiện MV Tia sáng cuối cùng.