Tình huống pháp lý vụ người mẹ đánh con gái 9 tuổi dã man ở Vĩnh Long

Đan Tâm 09/11/2024 12:32

Theo luật sư, hành vi đánh con gái mới 9 tuổi giữa đường của người mẹ rất đáng bị lên án. Việc bạo hành sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tâm sinh lý và gây tổn thương đến thân thể, tinh thần ở trẻ.

Ngày 9/11, Công an TP Vĩnh Long thông tin, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý người phụ nữ đánh dã man một bé gái theo video vừa lan truyền trên mạng xã hội.Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video dài khoảng 1,5 phút ghi lại cảnh người phụ nữ dùng tay, chân đánh bé gái giữa đường.Bé gái bị đánh ôm đầu gào khóc. Thấy người mẹ tháo sợi dây buộc thùng đồ phía sau xe máy, bé gái sợ tiếp tục bị đánh nên chạy đến cầu cứu những người xung quanh nhưng không ai giúp đỡ. Bé gào khóc "Mẹ ơi, đừng đánh con nữa...".Người phụ nữ đã tiếp tục đánh bé bằng dây buộc hàng trước sự chứng kiến của nhiều người lớn, nhưng họ không can ngăn. Chịu đòn một lúc, bé gái đứng dậy chạy đi…Chiều 8/11, Công an phường 1 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đã mời bà G.T.H.S (44 tuổi, ngụ phường 9) lên làm rõ sự việc này. Tại công an, bước đầu bà S. khai đánh con là do con bán vé số ế.

Theo đó, ngày 7/11, bà S. lãnh 130 tờ vé số và đưa con gái 9 tuổi đi bán dạo. Đến 17h cùng ngày, bé gái bán còn 43 tờ, nhưng không về sớm đưa cho bà S. để trả lại đại lý. Người phụ nữ này tức giận, đánh con.

Tình huống pháp lý vụ người mẹ đánh con gái 9 tuổi dã man ở Vĩnh Long- Ảnh 1.
Hình ảnh bà S. đánh con dã man trước sự chứng kiến của nhiều người. Ảnh: Cắt từ clip.
Liên quan đến sự việc, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt luôn được nhà nước, gia đình và xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Do vậy hành vi bạo hành đứa trẻ mới 9 tuổi của người mẹ rất đáng bị lên án, gây tâm lý ám ảnh, hoảng sợ, tổn thương tinh thần đối với trẻ nhỏ.Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Do đó, người mẹ có hành vi bạo lực đối với bé gái sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Về mức độ xử phạt vi phạm hành chính, hành vi bạo lực trẻ em được căn cứ vào Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em. Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; hoặc cô lập, xua đuổi, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ.Ngoài ra, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, bé bị bạo hành dù có bị thương hay không thì vẫn đủ yếu yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã đánh đập bé. Trong trường hợp này, người mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Việc bố mẹ đánh đập con cái có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, có thể lên đến 5 năm tù nếu người con dưới 16 tuổi.

Xem thêm bài viết được quan tâm:








Đan Tâm