Cách chăm sóc, xử lý cúc vàng ra hoa đúng dịp Tết
Hoa cúc là loài hoa phổ biến ở Việt Nam, được trồng nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán. Hoa Cúc có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau, mang ý nghĩa may mắn, tài lộc.
Ý nghĩa hoa cúc
Hoa cúc được xem là biểu tượng của sự sống, phúc lộc và niềm vui. Ý nghĩa Hoa cúc trong văn hóa của người Việt Nam biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam là trung, tín, hiếu, nghĩa.
Vì thế mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, mọi người hay trưng hoa cúc trong nhà và mong muốn mọi điều tốt đẹp đều đến với gia đình.
Không chỉ vậy, hoa cúc cũng là loài hoa tượng trưng cho sự trường thọ cũng như tăng thêm phúc phần cho người trồng.
Với hình dáng bông tròn, màu vàng tươi sáng, đặc biệt hoa cúc vàng chính là màu đại diện cho sự may mắn, tràn đầy sức sống, Luôn mang đến ý nghĩa cát tường, trường thọ.
Kỹ thuật trồng hoa cúc nở đúng dịp Tết
Thời gian trồng
Chúng ta có thể trồng hoa cúc quanh năm, tuy nhiên mùa chính của loài hoa này vẫn là mùa Tết Nguyên Đán.
Hoa cúc là loài hoa có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ thích hợp nhất là vụ xuân hè (tháng 3 – 4 – 5) và vụ thu đông (tháng 9 – 10 – 11).
Chọn giống
Cúc có thể trồng từ hạt hoặc cây con. Chúng ta nên tìm mua những loại hạt giống cúc vàng tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng cũng như khả năng nảy mầm của hạt.
Tiêu chuẩn chọn cây con phải có chiều cao từ 5-7cm, có từ 5-7 lá, thân có đường kính khoảng 0,2cm, chiều dài rễ từ 0,5-3cm và có nhiều hơn 4 rễ.
Cách chăm sóc
Để cung cấp dinh dưỡng cho cây lớn khỏe mạnh và đẹp thì cần phải bón phân gồm 2 đợt gồm bón lót (trước khi gieo hạt) và bón thúc (trong giai đoạn cây đang phát triển).
Các thành phần trong phân bón: Phân gà, phần bò, phân NPK, phân KNO3, phân trùn quế… Pha loãng với nước và tưới xung quanh gốc, tránh tưới trên lá vì nó sẽ làm cây có tình trạng vàng lá.
Cách tưới nước cho hoa cúc vàng: Phải thường xuyên tưới giữ ẩm cho cây đảm bảo độ ẩm đất là 70 -75%. Không nên tưới nước vào ban đêm dễ tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi.
Bấm tỉa ngọn: Là một trong những kỹ thuật quan trọng trong trồng và chăm sóc hoa cúc, việc bấm tỉa ngọn và những cành nhánh không cần thiết hay còn gọi là cành phụ nhằm tập trung dinh dưỡng để phát triển cành chính giúp hoa to đều và đẹp.
Tuy nhiên, với từng loại hoa cúc có cách bấm tỉa ngọn khác nhau. Với hoa cúc giống bông lớn như cúc đại đóa, cúc vàng Đà Lạt sau khi trồng từ 15 - 20 ngày là đã có thể bấm ngọn chỉ để lại từ 3 - 5 cành.
Với hoa cúc giống bông nhỏ việc bấm ngọn cũng được thực hiện 15 - 20 ngày sau trồng, thực hiện 2 - 3 lần bấm ngọn để tạo nhiều nhánh nhỏ. Khi cây đã cho nụ, việc bấm nụ cũng cần được làm thường xuyên, tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính.
Hoa Cúc là loài rất nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ, nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều cũng có thể kích thích cho hoa ra sớm, đặc biệt là giai đoạn có nụ.
Với trường hợp này, chúng ta nên sử dụng lưới che nắng để giảm đi sựu tiếp xúc của cây với ánh nắng, giúp cho hoa có thể nở đúng dịp mong muốn. Ngược lại với những mùa thiếu ánh sáng thì chúng ta phải thắp đèn sợi đốt lên để điều chỉnh thời gian nở hoa của Cúc.