Cây dại mọc bờ bụi xưa không ai ăn, nay thành đặc sản dân phố săn lùng, 30.000 đồng/kg
Cả lá và quả của loài cây này đều có vị hơi đắng, nhưng khi chế biến thành món ăn lại mang hương vị thơm ngon đặc biệt.
Núi rừng Việt Nam có nhiều cây quả mọc hoang dại, tưởng không ăn được nhưng thực chất là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn nổi tiếng, trong đó có cây dây cứt quạ.
Theo tìm hiểu, dây cứt quạ còn có tên gọi khác là mướp đất hay cây cứt trâu, có tên khoa học là Gymnopetalum integrifolium.
Đây là cây dây leo, có thể dài đến 5m. Lá của dây cứt quạ chia thùy, mặt dưới có nhiều lông, có thể hái lá non để luộc hoặc nấu canh. Quả có hình elip, khi còn non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng cam, phần ruột chuyển sang màu đen, đó cũng là lý do mà quả này có tên cứt quạ.
Tuy nhiên, quả dây cứt quạ chín có tính hơi độc nên hầu như không dùng đến còn đọt non, lá và quả xanh dùng để làm rau luộc, xào, nấu canh ăn tác dụng giải nhiệt, kích thích vị giác. Đây còn là dược liệu dùng để phòng, chữa một số bệnh như: trừ nhiệt, trị sốt, giải khát, tiêu độc, thoái ban, trừ đờm, cắt cơn ho…
Theo báo Đắk Nông, quả dây cứt quạ vị đắng nhẫn, nhưng sau khi ăn sẽ có vị ngọt trong miệng. Có nhiều cách chế biến món ăn từ loại cây này. Người M'nông thường hái đọt non của dây, quả còn xanh hay lá để luộc chấm muối ớt xanh.
Đồng thời còn dùng những bộ phận này để nấu canh với thịt. Đặc biệt, quả dây cứt quạ khi hầm cùng xương heo là một món ăn ngon, tốt cho sức khỏe của các sản phụ sau sinh…
Bên cạnh đó, quả dây cứt quạ xào cá là món ăn phổ biến, hợp vị, vừa để làm mồi nhậu đãi khách, vừa rất hợp dùng ăn cùng cơm mà người M'nông thường chế biến. Khi đánh bắt được cá, người M'nông sẽ sơ chế, bảo quản bằng cách ướp muối phơi khô, hoặc nướng sơ trên than hồng rồi phơi dưới nắng buổi sớm. Khi nấu món dây cứt quạ xào cá, người ta róc bỏ xương cá, chỉ lấy phần thịt.
Ngày nay, người M'nông thích dùng cá nục tươi hấp chín, nướng sơ trên than hồng rồi dùng phần thịt để nấu. Họ cho rằng phần thịt thơm thơm, mặn mặn mùi muối biển của cá nục rất hợp với vị nhẫn đắng từ quả dây cứt quạ. Đó như sự kết hợp hài hòa giữa núi và biển.
"Cả lá và quả của dây cứt quạ đều có vị nhẩn đắng, nhưng khi chế biến thành món ăn lại mang hương vị thơm ngon đặc biệt. Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm dây cứt quạ vào mùa. Trước đây, bà con dân tộc vào rừng hái cây này về ăn.
Bây giờ, khi mà các loại rau dại được dân thành phố ưa chuộng thì chúng mới được biết tới nhiều hơn", chị Giàng (ở Đắk Nông) chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống .
Theo chị Giàng, không chỉ làm thành món ăn lạ miệng, dây cứt quạ còn có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc. Người dân địa phương cũng thường hái lá và quả, rễ về phơi khô, sắc uống dần trong năm, vị hơi đắng nhưng giúp tiêu hóa thức ăn, đem lại cảm giác ngon miệng, giải cảm, bổ máu.
Hiện nay, một số nhà hàng, quán ăn ở Đắk Nông cũng đem dây cứt quạ vào chế biến món ăn. Vì tò mò, nhiều du khách tìm đến để thưởng thức.
Giới thiệu rau cứt quạ trên chợ mạng, chị Vinh (ở Tây Nguyên) cho biết nhiều người sẽ nhầm cây này với mướp đắng rừng.
Thực chất rau cứt quạ có vị đắng nhẹ hơn so với mướp đắng và vỏ quả trơn nhẵn chứ không gai góc, xù xì. Ngoài Đắk Nông, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng... cũng tìm thấy cây dại này.
"Mình rao bán cả quả tươi lẫn quả khô trên chợ mạng. Nhiều người tò mò vào hỏi tên và cách ăn như thế nào. Quả tươi dùng để chế biến món ăn, còn quả khô thì sắc uống.
Từ cây mọc dại, giờ đây nhiều bà con đi rừng hái về phơi khô rồi bán. Mua sỉ tận nơi giá chỉ khoảng vài nghìn đồng/kg nhưng khi bán trên chợ mạng giá đội lên, có thể tới 30.000 đồng/kg vào thời điểm khan hiếm. Tôi cũng thường xuyên gửi hàng cho khách đặt ở Tp.HCM hay Đà Nẵng", chị Vinh chia sẻ.
Minh Hoa (t/h)