Hồi hộp, lo lắng thường xuyên có phải mắc bệnh tim?

11/11/2024 08:05

Hồi hộp, lo lắng là trạng thái tinh thần rất thường gặp của chúng ta khi gặp phải vấn đề căng thẳng hoặc điều sợ hãi. Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra không rõ nguyên nhân thì rất có thể là cảnh báo dấu hiệu bệnh tim mạch hoặc rối loạn tâm thần kinh.

Hồi hộp lo lắng kéo dài do bệnh tim

Triệu chứng hồi hộp lo lắng kéo dài ở người bệnh tim thường sẽ đi kèm với các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, phù chân, nhịp tim nhanh liên hồi, đau tức ngực … Các bệnh lý tim mạch thường liên quan bao gồm: bệnh về van tim , bệnh cơ tim và bệnh động mạch vành.

Tuy nhiên, thông thường rất khó để biết chính xác tình trạng hồi hộp lo âu kéo dài là do bệnh lý tim mạch bởi đôi khi triệu chứng không rõ ràng. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây hồi hộp lo lắng là bệnh tim mạch gì, bệnh nhân cần đến chuyên khoa tim mạch để bác sĩ thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm tim, holter điện tâm đồ,…

Biến chứng tim mạch nói chung đang là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tử vong đột ngột, vì thế không nên chủ quan dù dấu hiệu hồi hộp lo lắng mới bắt đầu xuất hiện.

Hồi hộp, lo lắng thường xuyên có phải mắc bệnh tim?- Ảnh 1.
Biến chứng tim mạch nói chung đang là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây tử vong đột ngột.

Hồi hộp, lo lắng kéo dài do suy nhược thần kinh

Những trường hợp hay bị hồi hộp lo âu kéo dài nhưng đã loại trừ được nguyên nhân mắc bệnh tim mạch, thì rất có thể người bệnh đã mắc bệnh lý suy nhược thần kinh.

Suy nhược thần kinh là một trong những bệnh lý tinh thần nguy hiểm, kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe mà nhiều bệnh nhân không hề hay biết. Ngoài gây hồi hộp lo lắng thường xuyên, người bệnh còn có thể bị kiệt sức, trầm cảm, tinh thần bất an, có ý định tự tử hoặc làm hại những người xung quanh. Điều trị sai cách, sử dụng chất kích thích để xoa dịu tinh thần tạm thời sẽ khiến hồi hộp lo lắng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các dạng bệnh suy nhược thần kinh gây hồi hộp lo lắng thường gặp bao gồm:

  • Stress: Stress có nhiều mức độ, kéo dài và nghiêm trọng có thể gây trầm cảm trong thời gian ngắn hoặc dài.
  • Rối loạn lo âu: hồi hộp lo âu kéo dài mà không rõ nguyên nhân khởi phát được xem là một trong những triệu chứng điển hình của rối loạn lo âu. Các rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như: lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm hỗn hợp…
  • Trầm cảm: buồn chán, mất ngủ, mất hứng thú, cảm giác bứt rứt khó chịu, thường lo nghĩ bản thân vô dụng, có lỗi, tự hại, có ý định tự sát (trầm cảm nặng)… là những đặc trưng thường gặp ở trầm cảm. Song, trầm cảm ở mỗi người sẽ có biểu hiện theo từng thời điểm khác nhau hoặc thường sẽ xuất hiện thêm các dấu hiệu bệnh sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác.

Lời khuyên bác sĩ

Ghi nhận thực tế, hồi hộp lo lắng là vấn đề thường gặp của nhiều người và đơn giản chỉ là do sinh lý. Người khỏe mạnh sẽ hồi hộp lo lắng khi ở trạng thái căng thẳng do tâm lý xúc động, hoạt động gắng sức hoặc do hoạt động tình dục.

Khi hồi hộp lo lắng sinh lý, nhịp tim đập vẫn nhịp nhàng dù nó nhanh hơn so với bình thường. Đây là do các trạng thái tinh thần và thể chất trên khiến tim đập nhanh hơn, co bóp nhiều hơn và thúc đẩy gây hồi hộp lo lắng.

Hồi hộp lo lắng đôi khi là một dấu hiệu của bệnh lý như sốt, thiếu máu nặng hoặc hội chứng cường giáp.

Tóm lại: Không phải tất cả các trường hợp hồi hộp lo lắng là dấu hiệu bệnh lý và thực tế tỉ lệ mắc triệu chứng này do nguyên nhân bệnh lý này không nhiều. Tuy nhiên cần đánh giá để phân biệt các trường hợp sinh lý với trường hợp là dấu hiệu bệnh lý để kịp thời can thiệp điều trị.