Người phụ nữ bị phạt 10 triệu đồng vì mua 100 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu

31/08/2021 12:15

PLBĐ - 100 bộ kit test nhanh COVID-19 không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị cơ quan chức năng tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 31/8, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho biết lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với đối với bà Nguyễn Thị Hồng Đào, đồng thời tịch thu 100 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu.

Trước đó, vào khoảng 10h ngày 28/8, Đội QLTT số 2 phát hiện tại khu vực chợ Thống Nhất (đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) có một người phụ nữ đang đứng bên xe mô tô mang BKS 81B2-766.08 nhận 1 thùng hàng carton. Xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Đội đã tiến hành kiểm tra phương tiện và thùng hàng.

Bị phạt 10 triệu đồng vì mua 100 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu - Ảnh 1.

Thùng hàng có chứa 100 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu. (Ảnh: QLTT)

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện thùng carton trên do bà Nguyễn Thị Hồng Đào làm chủ. Bên trong có chứa 100 bộ kit test nhanh COVID-19 (bao gồm 75 bộ trên nhãn ghi hiệu GenBody COVID-19 Ag và 25 bộ trên nhãn ghi hiệu Humasis COVID-19 AgTest).

Toàn bộ hàng hóa này có nhãn ghi xuất xứ từ Hàn Quốc. Bà Đào khai nhận, 100 bộ kit test nhanh COVID-19 trên được mua trôi nổi trên mạng về bán kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật, hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm hành chính và xử phạt bà Nguyễn Thị Hồng Đào với số tiền 10 triệu đồng.

Được biết, giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển dụng cụ test nhanh COVID-19 nhập lậu. Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. 

Cách đây không lâu, ngày 25/8 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 15 - Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra số nhà 39, ngách 15 ngõ 112 phố Định Công Thượng, phường Định Công. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện T.T.N (SN 1996, ở tổ 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đang tập kết, kinh doanh 2 thùng giấy bên trong có 145 bộ kit test nhanh COVID-19. Số hàng này do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc.

Bị phạt 10 triệu đồng vì mua 100 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu - Ảnh 2.

T.T.N tại cơ quan công an. (Ảnh: CACC)

Tại cơ quan công an, T.T.N khai nhận đã mua kit test nhanh COVID-19 của người không quen biết trên mạng xã hội với giá 120.000 đồng/bộ, mục đích để bán lại kiếm lời với giá 170.000 đồng/bộ. Tuy nhiên khi chưa kịp bán ra thị trường, số hàng trên đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Ngày 1/8, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Bộ cho biết, hiện có nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua online bộ kit test COVID-19 cần lưu ý: chỉ mua sản phẩm ở các đơn vị là cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.

Trường hợp mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ đánh giá của những người đã mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, các đơn vị là các cửa hàng thuốc được cấp phép và mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành. Tuyệt đối không nên mua ở các Fanpage không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online mà không có cửa hàng cụ thể.

T.H (th)