Phòng tránh lây nhiễm Herpes sinh dục

16/11/2024 07:32

Herpes sinh dục chủ yếu lây qua quan hệ tình dục và đa số bệnh nhân bị bệnh do HSV-2 gây nên. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ bệnh do HSV-1 tăng lên do quan hệ miệng - sinh dục.

Herpes sinh dục hay còn gọi mụn rộp sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Nó có thể gây ra các vết loét ở vùng sinh dục hoặc trực tràng, mông và đùi. Nguy cơ bị nhiễm bệnh này khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người mắc bệnh.

1. Herpes sinh dục là gì?

Herpes sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Bệnh do một loại virus có tên là virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Nhiễm trùng HSV có thể gây ra các vết loét và mụn nước đau đớn xung quanh môi, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Đôi khi, nhiễm trùng HSV không gây ra vết loét. Có thể bị HSV mà không biết. Không có cách chữa khỏi nhưng có biện pháp kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng.

Cách phòng tránh lây nhiễm Herpes sinh dục- Ảnh 1.
Herpes sinh dục có thể gây ra các vết loét và mụn nước đau đớn xung quanh môi, bộ phận sinh dục...

2. Nhiễm trùng do virus Herpes xảy ra như thế nào?

HSV lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét do Herpes, thường là trong quá trình quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. HSV cũng có thể có trên da ngay cả khi không có vết loét. Nếu một người tiếp xúc với virus trên da của người bị nhiễm bệnh, người đó có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Virus này có khả năng lây lan ngay cả khi không có vết loét. Các bà mẹ cũng dễ lây nhiễm sang cho con mình trong quá trình sinh nở.

Sau khi một người bị nhiễm lần đầu, HSV vẫn ở trong cơ thể. Nó di chuyển đến các tế bào thần kinh gần cột sống và ở đó cho đến khi gặp tác nhân kích hoạt trở lại. Khi điều này xảy ra, virus sau đó di chuyển dọc theo các dây thần kinh, trở lại nơi đầu tiên nó xâm nhập vào cơ thể và gây ra một đợt bùng phát mới của các vết loét và mụn nước. Đây được gọi là tái phát. Virus có thể lây truyền cho người khác trong quá trình tái phát.

3. Có mấy loại virus gây ra bệnh Herpes sinh dục?

Có 2 loại HSV có thể gây ra bệnh Herpes sinh dục: HSV-1 và HSV-2. Nhiễm Herpes sinh dục có tỷ lệ tái phát cao, 95% với người mắc HSV-2 và 50% với người mắc HSV-1.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh Herpes sinh dục là HSV-2.

HSV-1 thường gây ra các vết loét lạnh xuất hiện trên miệng, môi và mắt nhưng nó đang trở nên phổ biến hơn như một nguyên nhân gây ra bệnh Herpes sinh dục, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ.

4. Các triệu chứng của nhiễm Herpes sinh dục

Các triệu chứng của bệnh Herpes khi bùng phát, người bệnh thường bị loét gần khu vực mà virus đã xâm nhập vào cơ thể. Các vết loét là mụn nước vỡ ra và trở nên đau đớn, sau đó lành lại. Sau khi mụn nước vỡ, chúng sẽ trở thành vết loét đỏ, đau và rất dễ nhiễm trùng. Đôi khi mọi người không biết mình bị Herpes vì họ không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Virus có thể nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh hoặc ở những người có hệ miễn dịch yếu. Các đợt bùng phát tái phát là phổ biến, đặc biệt là trong năm đầu tiên. Theo thời gian, người bệnh sẽ ít bị hơn và các triệu chứng trở nên nhẹ hơn. Virus sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh suốt đời.

Không có cách chữa khỏi Herpes sinh dục. Tuy nhiên, dùng thuốc sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, giảm các đợt bùng phát và giảm nguy cơ lây truyền virus cho người khác.

Cách phòng tránh lây nhiễm Herpes sinh dục- Ảnh 3.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm Herpes sinh dục, nên tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia y tế để được thăm khám và điều trị đúng, kịp thời.

5. Làm thế nào để tránh lây truyền virus Herpes?

Nếu bị Herpes sinh dục, cần thực hiện các bước để tránh lây truyền HSV cho bạn tình:

- Hãy cho bạn tình hiện tại biết rằng mình bị Herpes sinh dục. Ngay cả khi bạn tình của bạn không có vết loét, họ vẫn nên được xét nghiệm. Xét nghiệm máu để tìm Herpes có thể được thực hiện khi không có vết loét. Bạn cũng nên cho bạn tình tương lai biết trước khi quan hệ tình dục.

- Có thể truyền HSV cho người khác ngay cả khi bạn không có vết loét. Sử dụng bao cao su latex dành cho nam (hoặc polyurethane dành cho những người dị ứng với latex) có thể làm giảm nguy cơ lây truyền hoặc mắc HSV nhưng chúng không bảo vệ hoàn toàn. Các vùng da có virus nhưng không được bao phủ bởi bao cao su có thể lây lan bệnh nhiễm trùng.

- Hãy cảnh giác với các triệu chứng báo hiệu một đợt bùng phát sắp xảy ra. Tránh quan hệ tình dục từ khi bạn cảm thấy các triệu chứng này xuất hiện cho đến vài ngày sau khi các vảy đã biến mất. Rửa tay bằng xà phòng và nước sau bất kỳ tiếp xúc nào có thể với vết loét. Điều này sẽ giúp bạn không tái nhiễm hoặc lây truyền virus cho người khác.

Những người bị nhiễm HSV-2 có nguy cơ mắc virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) cao hơn nếu họ quan hệ tình dục với bạn tình bị nhiễm HIV. Việc dùng liệu pháp ức chế không làm giảm nguy cơ này.

ThS.BS Nguyễn Trần Thành - Phó trưởng Khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện 19-8: Kiểm tra sức khỏe định kỳ và kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục cũng là một phương pháp quan trọng để phòng ngừa bệnh và điều trị sớm nếu bị nhiễm. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh mụn rộp sinh dục, nên tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế để giảm thiểu tác động của bệnh.