Một nữ nghệ sĩ sang Đức làm công nhân: “Ở Việt Nam nó đang có vị trí như thế, sang Đức lại đi làm nail”
Tôi hi sinh vì con, nếu tôi không đi thì con gái tôi chưa chắc được như bây giờ” – nghệ sĩ Ngọc Minh chia sẻ.
Vừa qua, Youtuber Nhật Campuchia tiếp tục chia sẻ cuộc trò chuyện giữa anh và con gái cố NSND Thương Huyền là nghệ sĩ Ngọc Minh hiện đang sinh sống tại Đức.
Nữ nghệ sĩ ở tuổi 80 chia sẻ về cuộc sống của mình và lí do con không cho con sang Đức: “Tôi ở đây chẳng mất gì nên tôi không về nước dù cũng muốn về. Tôi nhiều bệnh lắm, bệnh của tôi mà về nước là tiền tấn, tiền trăm triệu nên ở đây còn được nhà nước Đức lo cho, không mất đồng nào.
Nhưng dù sao bên này cũng không phải quê hương tôi, nên tôi vẫn buồn. Tôi sống ở Việt Nam từ bé tới lớn, mọi thứ ăn vào máu, từ cách ăn uống tới nói năng, như kiểu phong tục tập quán.
Lúc mới sang đây tôi buồn lắm vì nhớ chồng, nhớ con, nhớ quê hương, nhớ đủ thứ, lại hay ngồi hát hò nên càng nhớ. Tôi ngồi rớt nước mắt ra.
Nhưng tôi hi sinh vì con, nếu tôi không đi thì con gái tôi chưa chắc được như bây giờ vì làm gì có tiền mà đi học. Tôi phải gửi tiền về chứ. Con gái tôi bây giờ có hai bằng, một bằng ngoại ngữ, một bằng luật sư. Tôi có tiền thì gửi về cho con gái tôi học.
Vì thế nên con gái tôi ở Việt Nam lại ổn định hơn, nên nó không sang đây sống. Ở Việt Nam nó đang có vị trí như thế, sang Đức lại đi làm nail, bán hoa thì không được, phải làm lại từ đầu. Đã đi thì phải đi từ bé.
Tôi nói chuyện được bằng tiếng Đức, đặc biệt chửi nhau tiếng Đức thì giỏi. Chồng người Đức của tôi còn bảo: “Học mấy câu tử tế thì khó, có nhiều từ tao còn không biết mà mày lại biết”.
Nhưng tôi lại lười, ỷ lại chồng mình người Đức nên không đi học tiếng Đức, đó là sai lầm của tôi. Tôi không viết, không đọc được vì mọi giấy tờ về đều đưa cho chồng xem hộ. Ngoài ra thì tôi nói chuyện tiếng Đức ầm ầm.
Tôi sang Đức làm công nhân nhà máy suốt 10 năm trời. Bây giờ tôi lớn tuổi rồi, được miễn phí mọi thứ hết. Tình người bên này giàu lắm, tôi chẳng thiếu gì.
Mẹ tôi là NSND Thương Huyền, thân với ông Phạm Duy. Ông Phạm Duy trong hồi ký cũng nhắc tên mẹ tôi”.
Tùng Ninh