Loại củ giàu tinh bột giúp thanh lọc cực tốt, người bệnh tiểu đường ăn theo cách này để ổn định đường huyết
Người bệnh tiểu đường có thể sử dụng bột sắn dây vì lượng đường có trong thực phẩm này không cao, nhưng chỉ nên tiêu thụ loại bột này một cách có chừng mực.
Người bệnh tiểu đường ăn bột sắn dây được không?
Bột sắn dây còn có tên gọi khác là cát căn, là một vị thuốc có vị ngọt, tính mát, quy vào kinh phế, tỳ, vị, bàng quang.
Theo y học hiện đại, củ của sắn dây có các thành phần isoflavon, formononetin, dẫn chất coumestan, isoflavon dime kudzuisoflavon, các glucosid loại olean triterpen, các sapogenin… giúp giải độc cơ thể, nâng cao sức đề kháng, điều hòa nhịp tim, lipid máu, huyết áp, thư giãn cơ...
Theo y học cổ truyền, sắn dây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu, tăng tiết mồ hôi, sinh tân dịch, giải rượu, thăng dương chỉ tả… Sắn dây còn hỗ trợ điều trị các triệu chứng khô khát, cảm giác nóng, vị nhiệt ở bệnh nhân tiểu đường.
Vì vậy, người tiểu đường có thể sử dụng bột sắn dây vì lượng đường có trong thực phẩm này không cao. Bên cạnh đó, chiết xuất purein từ sắn dây giúp trì hoãn và cải thiện việc hấp thụ đường. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường chỉ nên tiêu thụ loại bột này một cách có chừng mực.
Người bệnh tiểu đường ăn sắn dây bao nhiêu là đủ?
Trung bình 1 muỗng canh bột sắn dây (14.5g) có tải lượng đường bằng 8.7 (nằm ở mức thấp). Trong khi đó, khuyến nghị an toàn về tải lượng đường (GL) trong khẩu phần ăn cho người bệnh tiểu đường là nằm dưới mức 20.
Như vậy, để việc tiêu thụ bột sắn dây không làm tăng cao đường huyết, người bệnh tiểu đường chỉ nên tiêu thụ khoảng 14.5 – 29g bột sắn dây (tương đương với 1 – 2 muỗng canh) mỗi lần. Nếu muốn tiêu thụ nhiều hơn, hàm lượng này cũng không nên vượt quá 33g / lần.
Hàm lượng được tính toán kể trên chỉ nên được áp dụng cho trường hợp người bệnh tiêu thụ bột sắn dây như một nguồn carbohydrate duy nhất trong vòng 2 giờ gần nhất. Nếu ăn kèm bột sắn dây với các thực phẩm giàu carbohydrate khác (cơm, xôi, bún, miến, rau xanh, củ quả,…), bạn nên xem xét cắt giảm hàm lượng này.
4 điều cần tránh khi pha bột sắn dây để an toàn cho sức khỏe
Không pha nhiều đường
Bột sắn dây có tính mát và đã có sẵn vị ngọt thanh. Nếu pha thêm đường thì bạn sẽ dễ bị thừa cân, béo phì. Với người bị tiểu đường lại khiến bệnh thêm trầm trọng. Tốt nhất hãy pha bột sắn dây thành thức uống giải khát không thêm bất cứ phụ gia làm ngọt nào để bảo vệ sức khoẻ.
Không pha cùng mật ong
Mật ong là một trong những thực phẩm không được kết hợp với bột sắn dây. Khi uống sắn dây pha mật ong thì bạn sẽ bị đầy bụng khó tiêu, chướng hơi. Đây là hai loại thực phẩm đại kỵ với nhau, khi kết hợp không hề tốt cho cơ thể.
Không nên ướp hoa bưởi, sen, nhài
Một số người thích cho thêm hoa bưởi, sen, nhài khi pha chung với bột sắn dây để tăng hương vị. Nhưng 3 loại hoa này lại rất kỵ với bột sắn dây. Nếu uống kết hợp chúng thì thành phần dinh dưỡng của bột sắn dây sẽ bị mất đi và bạn còn có thể bị đầy hơi, khó tiêu.
Không nên pha nước nguội
Bột sắn dây phải pha với nước nóng ấm để chúng chín hoàn toàn. Nếu pha với nước nguội, cơ thể dễ có nguy cơ bị đau bụng và tiêu chảy bởi bột sắn dây được chế biến thủ công nên khó có thể kiểm soát các tạp chất và vấn đề nhiễm khuẩn.
Tốt nhất hãy pha với nước khoảng 60 - 70 độ C. Không thêm đường vào mà khuấy đều hỗn hợp sắn dây cùng nước ấm cho đến khi chúng hoà tan hết. Cần cho thêm một chút nước cốt chanh để tăng hương vị. Nếu muốn uống lạnh hãy đợi hỗn hợp nguội rồi thêm đá vào.