Bé gái 5 tuổi bị chó béc giê của gia đình cắn tử vong, chủ nuôi có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Phúc Đức 22/11/2024 14:37

Theo luật sư, trường hợp để chó cắn chết người, chủ nuôi có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 5 năm tù.

Ngày 21/11, mạng xã hội lan truyền bài đăng kèm clip ghi lại cảnh một bé gái bị 2 con chó lớn tấn công khiến nạn nhân tử vong. Vụ việc xảy ra tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lãnh đạo UBND xã Vinh Sơn cho biết, một gia đình tại xã có nuôi 2 con chó béc giê, khi chủ nhà đi vắng đã thả 2 con chó ra. Lúc này, bé gái (5 tuổi, là con gái chủ nhà) đang chơi ở sân không may bị 2 con chó lao vào tấn công. Phát hiện sự việc, mọi người đã nhanh chóng đưa cháu đi bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên cháu đã không qua khỏi.

Bé gái 5 tuổi bị chó béc giê của gia đình cắn tử vong, chủ nuôi có phải chịu trách nhiệm hình sự?- Ảnh 1.
Khoảnh khắc bé gái bị 2 con chó tấn công. Ảnh cắt từ clip
Vụ việc này nhận được sự quan tâm của nhiều người, đa phần tỏ ra sự sợ hãi, bàng hoàng, xót xa khi chứng kiến clip bé gái bị 2 con chó dữ tấn công. Nhiều người đặt ra câu hỏi, trong trường hợp để chó cắn chết người, chủ nuôi sẽ bị xử lý như thế nào?Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, liên quan đến sự việc 2 con chó béc giê cắn chết bé gái 5 tuổi xảy ra tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là câu chuyện hết sức thương tâm.Theo luật sư Nam, tại Điều 601 Bộ luật dân sự quy định, chó béc giê được xác định là thú dữ - là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ vật nuôi có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vật nuôi, đảm bảo vật nuôi không tấn công, gây thương tích cho người khác nhưng thực tế chủ của những con chó béc giê đã không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi theo quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, Quyết định số 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017.Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra các sự việc tương tự về việc chủ vật nuôi không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dẫn tới việc vật nuôi cắn chết người như vụ việc xảy ra tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên năm 2019, sự việc xảy ra tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh năm 2023,...Các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" hoặc tội danh "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.Do đó, trường hợp bị khởi tố về một trong 2 tội danh nêu trên các chủ sở hữu vật nuôi có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 5 năm tù. Để xác định rõ tội danh đối với chủ vật nuôi các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thu thập tài liệu chứng cứ, triệu tập lấy lời khai nhằm làm rõ các vấn đề có liên quan.Ngoài ra, chủ sở hữu những chú chó phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại, tổn thất về tính mạng và tinh thần, vật chất cho nạn nhân theo quy định tại các Điều 584, 585, 591, 601, 603 Bộ luật dân sự 2015.Trong vụ việc này, được biết 2 con chó do chính bố, mẹ cháu bé nuôi, như vậy, bố, mẹ cháu bé được xác định là chủ sở hữu của vật nuôi, nguồn nguy hiểm cao độ và trách nhiệm để xảy ra hậu quả trong vụ việc thuộc về người trực tiếp có trách nhiệm nuôi những con chó này là bố hoặc mẹ cháu.Do vậy, có thể bố hoặc mẹ hoặc thậm chí cả bố, mẹ cháu cùng bị khởi tố về các tội danh như phân tích nêu trên và gia đình cháu sẽ phải cử 1 người là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho chính cháu bé (bố hoặc mẹ nếu trường hợp người còn lại bị khởi tố, hoặc 1 người khác nếu trường hợp cả bố, mẹ cháu cùng bị khởi tố).Đồng thời, qua sự việc trên công tác quản lý vật nuôi cần được xem xét, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, từ đó nghiên cứu để ban hành các quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hùng dữ nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Phúc Đức