TP. HCM: Liên tiếp phát hiện thuốc, thiết bị y tế điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
PLBĐ - Trước tình hình dịch COVID-19 tại TP. HCM còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã sản xuất thuốc giả, buôn bán thiết bị y tế không rõ nguồn gốc để thu lợi bất chính. Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. HCM đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả lớn trên địa bàn.
Theo đó, qua điều tra, công an phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc giả. Trong đó, có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị COVID-19.
Ngày 20/8, trinh sát phát hiện Thuận chở 1 thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra và phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu Terpincodein. Thuận khai nhận đây là thuốc giả. Đối tượng đã tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, nhà chức trách phát hiện khu vực sản xuất thuốc là nhà vệ sinh. Công an lập biên bản tạm giữ hơn 630.000 viên thuốc giả các nhãn hiệu thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, cùng số lượng lớn nguyên liệu, công cụ, phương tiện sản xuất.
Đáng nói, trong số đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Angmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vĩ Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…
Hiện, công an đã bắt giữ Thuận và triệu tập 8 đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, Công an TP. HCM đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc hỗ trợ điều trị COVID-19 ra thị trường. Cụ thể, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát kinh tế cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. HCM phát hiện kho thuốc và trang thiết bị y tế không có nguồn gốc xuất xứ tại một căn nhà trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 do Đặng Thị Hồng Duyên và Đặng Khánh Dư làm chủ. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 800 bộ test nhanh COVID-19; 460 hộp thuốc tân dược hiệu Salbutant; 700 hộp Efferalganl và nhiều thuốc tân dược, vitamin, viên xông mũi không có hóa đơn chứng từ.
Trước đó, ngày 12/8, Cục quản lý thị trường TP. HCM đã phối hợp Công an phường An Lạc, Công an quận Bình Tân phát hiện một kho hàng lậu số lượng lớn. Đáng chú ý có nhiều hàng hóa là thiết bị y tế trong điều trị COVID-19 như máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy, chai đựng oxy, súng phun khử khuẩn dùng điện... với giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngày 10/8, Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. HCM phối hợp với Đội 3 Cục Quản lý thị trường Thành phố kiểm tra căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cũng đã phát hiện số lượng lớn thuốc tân dược nhập lậu.
Qua kiểm tra sơ bộ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 2.800 hộp thuốc tân dược nhập lậu, có tên là "Liên hoa Thanh ôn". Loại thuốc này được quảng cáo trên mạng là "một phần liệu pháp tiêu chuẩn để điều trị bệnh nhân COVID-19 của Trung Quốc".
Trước việc thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thiết bị y tế điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn để tránh "tiền mất, tật mang". Cơ quan cũng cần xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi bất chính.
T.H (th)