Thông tin mới nhất về quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội từ ngày 1/12/2024
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam được sửa đổi thế nào?
Theo VTV News, sáng 28/11, với 458/459 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 03 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý tăng 01 điều (bổ sung Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2023/QH15)
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan (tuổi nghỉ hưu)
Theo Hànộimới, Luật Sửa đổi, bổ sung hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy: 50, Thiếu tá: 52, Trung tá: 54, Thượng tá: 56, Đại tá: 58, cấp tướng: 60.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan được quy định như sau: Đại tướng, số lượng không quá 3, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân - số lượng không quá 6; Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - mỗi chức vụ số lượng không quá 3; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân: Số lượng không quá 398.
Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Chính phủ quy định vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Sửa đổi, bổ sung tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Sĩ quan tại ngũ lập thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc, nhưng không vượt quá cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng vượt bậc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn quy định tại khoản này để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy vượt bậc.
Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị quy định như sau: Cấp úy: 53, Thiếu tá: 55, Trung tá: 57, Thượng tá: 59, Đại tá: 61, cấp tướng: 63. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trên Truyền hình Quốc hội, Đại tướng Nguyễn Tân Cương (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết: "Thời gian qua, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ, cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao.
Việc tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tính toán rất kỹ lưỡng, tạo được sự đồng thuận cao, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt", Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho hay.