Chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam,hàng hóa của sàn thương mại điện tử Temu sẽ giải quyết như thế nào?

29/11/2024 11:09

Hiện nay, sàn thương mại điện tử Temu vẫn đang thực hiện hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương. Điều này đồng nghĩa, Temu chưa được Bộ Công thương cấp phép hoạt động chính thức tại Việt Nam.

Cục Giám sát quản lý về hải quan ( Tổng cục Hải quan) vừa có buổi làm việc với đại diện sàn thương mại điện tử Temu.

Được biết, đến nay, sàn thương mại điện tử Temu vẫn đang thực hiện hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ  thương mại điện tử với Bộ Công thương. Điều này đồng nghĩa, Temu chưa được Bộ Công thương cấp phép hoạt động chính thức tại Việt Nam. 

Về vấn đề này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, hiện Temu chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan.

Đồng thời đại diện cơ quan này khẳng định, sau khi Temu được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử bình đẳng như các nhà cung cấp, xuất nhập khẩu khác. Tuy nhiên, giai đoạn này, vì Temu chưa được cấp phép tại Việt Nam nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan.

Chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thủ tục hải quan đối với hàng hóa của sàn thương mại điện tử Temu sẽ giải quyết như thế nào? - Ảnh 2.
Theo lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), sau khi được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử Temu sẽ bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn  thương mại điện tử, vừa qua Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

  • Hàng hóa bán trên sàn TMĐT Temu không được kiểm chứng, doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ gặp họa

    Hàng hóa bán trên sàn TMĐT Temu không được kiểm chứng, doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ gặp họaĐỌC NGAY

Để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong thời gian Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử chưa được ban hành, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thuộc cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

Về cấp phép hoạt động thương mại điện tử, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Temu hay các nền tảng quốc tế khác đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử. Cụ thể là theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Nếu một nền tảng có ngôn ngữ và tên miền tiếng Việt thì phải thực hiện các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã tăng cường giám sát, phối hợp với các cơ quan trong Bộ làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để đảm bảo rằng các nền tảng này hiểu và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Trước đó, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương đã yêu cầu sàn thương mại điện tử Temu và Shein khẩn trương hoàn thiện thủ tục đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian này, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép.

Nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền. Đồng thời, Bộ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép.